Hút mạnh dòng vốn đầu tư

Đầu tháng 9/2023, chúng ta được chứng kiến một cột mốc quan trọng đối với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khi chủ đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) khởi công dự án đầu tiên tại Cần Thơ với diện tích 900 ha, mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía nam. Giai đoạn một dự án có diện tích hơn 293 ha, vốn đầu tư hơn 152 triệu USD.

Là một trong những nền tảng bất động sản công nghiệp và dịch vụ hậu cần cho thuê hàng đầu Việt Nam, trong quý I/2023, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW đã nhận được khoản đầu tư ấn tượng lên đến 300 triệu USD. Ông Paul Wee – Giám đốc Tài chính của công ty này cho rằng, bối cảnh chuyển dịch dòng vốn toàn cầu và hạ tầng kết nối các vùng kinh tế ngày càng được cải thiện là những thuận lợi để Việt Nam thu hút đầu tư. Đây chính là cơ hội để bất động sản công nghiệp phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các sản phẩm bất động sản công nghiệp chuyên biệt như nhà kho, nhà xưởng xây sẵn; nhà xưởng xây theo yêu cầu; kho lạnh; logistics… Tại Việt Nam, BW đang thực hiện mục tiêu khởi công 10 dự án mới trong năm 2023, một phần trong chiến lược phát triển của công ty.

Còn theo Báo cáo Tiêu điểm thị trường Bất động sản Công nghiệp 2023 của Savills Việt Nam, các khu công nghiệp trên toàn quốc có tỷ lệ lấp đầy hơn 80%, trong đó các tỉnh trọng điểm phía bắc đạt 83% và các tỉnh trọng điểm phía nam đạt 91%. Khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc ghi nhận 68 dự án khu công nghiệp với diện tích đất cho thuê đạt 12.000 ha; giá đất cho thuê tăng ở mức 30% theo năm, đạt trung bình 138 USD/m2/chu kỳ thuê.

Tại khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, ghi nhận 122 dự án khu công nghiệp với diện tích đất cho thuê đạt 24.883 ha; giá cho thuê đất tăng 15% theo năm và đạt mức trung bình ở 174 USD/m2/chu kỳ thuê. Nhóm khách thuê chính tại khu vực phía bắc là các khách thuê trong lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, bao gồm điện tử và máy vi tính, ô-tô, máy móc và thiết bị và sản xuất liên quan đến năng lượng mặt trời với các khách thuê là các tập đoàn quy mô lớn như: Samsung, LG Electronics, Foxconn, Canon, Hyundai, Honda và Vinfast. Trong khi đó, khách thuê chủ yếu tại khu vực phía nam là các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cao-su và nhựa, thực phẩm và nước giải khát, vật liệu xây dựng, may mặc, những ngành nghề được đánh giá có giá trị gia tăng thấp hơn.

Áp lực về quỹ đất sạch

Trên bản đồ phát triển công nghiệp Việt Nam, Bắc Giang tiếp tục là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tính đến hết quý III năm nay, địa phương này thu hút hơn 2,14 tỷ USD, gấp hai lần so cùng kỳ năm ngoái và xếp thứ tư cả nước về thu hút FDI. Thế nhưng, thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang cho biết, đất sạch trong các khu công nghiệp hầu như đã được các doanh nghiệp đăng ký.

Tương tự, chín tháng năm 2023, Đồng Nai thu hút khoảng 700 triệu USD vốn FDI vào các khu công nghiệp, đạt 133,7% kế hoạch năm 2023 và thu hút trong nước gần 2.000 tỷ đồng, đạt 116,6% kế hoạch năm 2023. Các dự án FDI thu hút mới gồm các dự án thuộc ngành cơ khí, thực phẩm, năng lượng… với suất đầu tư bình quân 5,92 triệu USD/ha, số lượng lao động khoảng 110 người/ha.

Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai chia sẻ, thực tế quỹ đất công nghiệp còn lại sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều, do một phần còn vướng bồi thường giải tỏa, một phần chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đáng nói, thời gian vừa qua, một số tập đoàn lớn sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, có nhu cầu đầu tư vào tỉnh, tuy nhiên chưa có quỹ đất để bố trí, giới thiệu. Chín tháng năm 2023, các khu công nghiệp đã cho thuê 23,22 ha.

Nhận định thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều hứa hẹn, song, ông John Campbell – Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Việt Nam cũng chỉ ra một số thách thức đối với sự phát triển thị trường này như: quy định về phòng cháy, nhu cầu về lao động có tay nghề ngày càng tăng lên,… Đặc biệt, sự phát triển của hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội. Khi lĩnh vực sản xuất và hậu cần phát triển, các sản phẩm bất động sản công nghiệp trở nên ngày càng đa dạng, bao gồm nhà máy xây sẵn, nhà kho, cơ sở đa tầng, cơ sở kết hợp, tòa nhà được kiểm soát nhiệt độ và xây dựng phù hợp nhu cầu. Người thuê đất có nhiều lựa chọn hơn và không còn bị ràng buộc với thời hạn thuê đất 50 năm như thông lệ. Điều này tạo nên sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đầu tư, với việc tung ra thị trường nhà xây sẵn nhiều hơn ở các tỉnh, thành phố trọng điểm.

Theo Báo cáo Tiêu điểm thị trường Bất động sản Công nghiệp 2023 của Savills Việt Nam, tính đến đầu năm nay, Việt Nam có 397 khu công nghiệp được lập với tổng diện tích đất là 122.900 ha, trong đó có 292 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 35.700 ha.

Theo nhandan.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *