• Bà con Công giáo thi đua sống tốt đời đẹp đạo

Đồng bào Công giáo đồng hành cùng dân tộc

Khi nói đến văn hóa của một dân tộc hay khu vực, không thể không nhắc đến bộ phận cấu thành là tôn giáo. Giá trị văn hóa của tôn giáo thể hiện ở niềm tin, các nguyên tắc đạo đức, các giá trị, những di sản hữu hình và vô hình. Quá trình hình thành, phát triển giáo lý, các nguyên tắc, giáo luật của tôn giáo dần ảnh hưởng, thẩm thấu đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý và lối sống không chỉ của tín đồ mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt của xã hội.

Tôn giáo du nhập, hình thành ở Việt Nam từ rất sớm, được người dân đón nhận bởi những giá trị nhân bản mà tôn giáo mang lại phù hợp với đạo lý, văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Trải qua chiều dài lịch sử dân tộc, tôn giáo luôn gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng dân tộc, biểu hiện rõ nét nhất là các giá trị đạo đức, văn hóa. Điều đó đã được thể hiện qua các cuộc kháng chiến cứu quốc, nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đã tham gia, ủng hộ kháng chiến. Tiêu biểu như linh mục Phạm Bá Trực, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; linh mục Hồ Ngọc Cẩn, Vũ Xuân Kỷ, Hồ Thành Biên, Đậu Quang Lĩnh, Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Thế Vịnh, Võ Thanh Trinh… Trong chống Mỹ cứu nước, hơn 5 vạn thanh niên Công giáo lên đường bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, dũng sĩ diệt Mỹ và biết bao tấm gương hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều bà mẹ Công giáo được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Ngày nay, là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào Công giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đồng bào Công giáo tiếp tục kề vai cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao vị thế con người và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 và Huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedict XVI: “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, người Công giáo đã chủ động tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Với nội dung thiết thực, nhất là lĩnh vực từ thiện xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào thi đua yêu nước đã góp phần tích cực vào chăm lo đời sống an sinh, phát triển kinh tế, kiến thiết hạ tầng…

Thời gian qua, cùng với các hoạt động tôn giáo, Công giáo Việt Nam đã tích cực tham gia các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo. Giáo hội Công giáo đẩy mạnh các hoạt động như thành lập các trường mẫu giáo, nhà trẻ; tổ chức lớp học tình thương, bổ túc văn hoá cho trẻ em cơ nhỡ, lang thang, trẻ em nghèo thất học, trẻ em khuyết tật; lập quỹ khuyến học hỗ trợ, động viên học sinh, sinh viên nghèo, trao học bổng cho học sinh; mở phòng khám nhân đạo, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nghèo, chăm sóc người già neo đơn, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, HIV-AIDS; làm đường liên thôn, bắc cầu và làm cây nước cho bà con nghèo vùng sâu; tham gia tích cực công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng… Đó là những đóng góp quan trọng của bà con Công giáo trong công cuộc xây dựng, bảo vệ  và phát triển đất nước.

Hiện thực hoá quan điểm của Đảng và Nhà nước trong đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo

Từ khi Đảng ta lãnh đạo cách mạng đã luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp từng giai đoạn, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh đất nước vừa mới giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quan điểm mang tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng, tự do và lương-giáo đoàn kết”. Thể chế quan điểm đó, ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL, gồm 5 chương, 16 điều – văn bản pháp quy đầu tiên, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo và tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những quan điểm nhất quán này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và Hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận…”.

Những chủ trương và chính sách, pháp luật nêu trên đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề mà thực tiễn công tác tín ngưỡng, tôn giáo đòi hỏi như điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo; điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo… Đồng thời quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, huyện và cấp xã, phường, thị trấn trong việc giải quyết kiến nghị của cá nhân, tổ chức tôn giáo. Luật quy định rõ về thời hạn giải quyết, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hạn chế sự nhũng nhiễu, chậm trễ, tắc trách của công chức trong việc thực thi công vụ, tạo hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Thực tế cũng cho thấy, chỉ tính trong 20 năm qua (2003-2023), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể, phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đến năm 2022, Nhà nước ta đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau với khoảng 27 triệu tín đồ, trên 53 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc, hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự… Ngoài ra, hằng năm có hơn 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo với hàng vạn tín đồ tham gia. Trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm hecta đất để xây dựng cơ sở thờ tự như TP Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam xây dựng Viện thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng trị giao thêm 15ha cho Giáo xứ La Vang…

Thành tựu về thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam nói chung và Công giáo nói riêng ngày càng sôi động đã củng cố niềm tin của chức sắc, tôn giáo và đồng bào có đạo với Đảng, Nhà nước ta, tăng cường khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo không khí phấn khởi tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân nói chung và chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo nói riêng. Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII đã phát huy trí tuệ tập thể, truyền thống đoàn kết dân tộc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo, hòa nhịp với tiến trình hội nhập, phát triển của đất nước.

Bất chấp thực tiễn đó, các thế lực xấu chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, móc nối với số cơ hội, bất mãn, có tư tưởng định kiến để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo. Họ xuyên tạc quy định “việc đăng ký điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung” trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là nhằm “kìm kẹp hoạt động tôn giáo”, lấy cớ vu cáo Đảng, Nhà nước ta. Các đối tượng lợi dụng những vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường, những tồn tại về công tác cán bộ, tình trạng tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Họ quy chụp hiện tượng thành bản chất, vi phạm của cá nhân thành “bản chất chế độ”, vu cáo Đảng, Nhà nước phân biệt lương giáo.

Nhiều tổ chức thù địch không ngừng phê phán tình hình tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng chính quyền vẫn hạn chế tôn giáo, bắt giam những nhân vật “đấu tranh cho tự do, tín ngưỡng tôn giáo”, vu cáo chính quyền cô lập, không cho những nhóm tôn giáo được đầy đủ các quyền như các tổ chức tôn giáo đã được công nhận. Cách tiếp cận của các thế lực thù địch là cố gắng tìm kiếm những hạn chế, cho dù là rất nhỏ trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam để biến những hạn chế rất nhỏ ấy thành bản chất. Các thế lực thù địch, phản động tìm cách tiếp xúc với những cá nhân, nhân vật bất mãn trong các tôn giáo (có những nhân vật đã bị chính các tổ chức tôn giáo tẩy chay) để phỏng vấn, lấy những quan điểm, nhận xét của các nhân vật này để làm “bằng chứng” vu cáo Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ở Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016), đã quy định rất rõ: Để được công nhận về mặt tổ chức, các nhóm tôn giáo phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể. Do vậy, khi các nhóm, tổ chức tôn giáo chưa đáp ứng được yêu cầu thì khi đó chính quyền chưa xem xét công nhận tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, các quan điểm thù địch lại cho rằng, Nhà nước phải công nhận tất cả những tổ chức đó, cho dù họ chưa có đủ các điều kiện. Đây là sự can thiệp sai trái vào công việc nội bộ, can thiệp vào pháp luật Việt Nam, đó là điều không thể chấp nhận. Thực tế, các nước trên thế giới cũng có những quy định rất rõ về việc công nhận các tổ chức tôn giáo.

  • Đồng bào Công giáo Việt Nam cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Đồng bào Công giáo Việt Nam cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *