Như VietNamNet đã đưa, UBND huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 để xác minh thông tin “11 em học sinh bán trú ăn chung 2 gói mì tôm chan cơm”.

Liên quan đến vụ việc, bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết, trên cơ sở kiểm tra xác minh, nếu không làm rõ được kết quả, UBND huyện sẽ đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để mọi việc sáng tỏ.

Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, với những thông tin phản ánh trên báo chí, đây là hành vi khó  thể chấp nhận. Việc cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết, không loại trừ trường hợp có thể áp dụng chế tài hình sự.

w z4983342399117 e83c8acf1882097b18474f09e05dacca 2 845.jpeg
Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 giải trình với đoàn kiểm tra vào sáng 17/12. Ảnh: T.L

Theo luật sư, quá trình xác minh thông tin đang diễn ra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nội dung báo chí phản ánh là đúng hay sai, nếu có vi phạm thì mức độ vi phạm đến đâu, ai là người đã thực hiện hành vi vi phạm này.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, đã có hành vi ăn bớt khẩu phần ăn của các cháu học sinh, vi phạm chế độ chính sách về quyền lợi của học sinh bán trú để chiếm đoạt tài sản thì đây không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội Tham ô tài sản, người thực hiện hành vi này nếu chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 353 BLHS.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Về nguyên tắc, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có lỗi xâm phạm đến khách thể mà luật hình sự bảo vệ thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với việc đảm bảo bữa ăn cho học sinh tại cơ sở bán trú thì hiệu trưởng nhà trường là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên và trách nhiệm cao nhất, sau đó đến kế toán, thủ quỹ và những người có liên quan đến hoạt động tài chính, hậu cần của cơ sở giáo dục đào tạo này.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hồ sơ sổ sách về chế độ quyền lợi cho học sinh bán trú và các chi phí thực tế để xác định số tiền chênh lệch giữa sổ sách, chi phí thực tế để xác định số tiền thất thoát (nếu có), đồng thời làm rõ ai là người được hưởng số tiền này, những ai có liên quan đến số tiền này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu có căn cứ cho thấy, cán bộ có chức vụ quyền hạn đã gian dối, hợp thức hóa hồ sơ để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý thì đây là hành vi tham ô tài sản. Người thực hiện hành vi tham ô tài sản từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc này, nếu có căn cứ cho thấy đã có hành vi bớt xén khẩu phần ăn để chia chác thì người đứng đầu cơ sở giáo dục này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xem xét trách nhiệm hình sự của những người khác với vai trò đồng phạm nếu họ biết đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn giúp sức, cùng nhau thực hiện hành vi để ăn chặn bữa ăn của các em học sinh.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, đây là vụ việc nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền trẻ em, đến đời sống của trẻ em học sinh vùng cao, gây bức xúc trong dư luận xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sau vụ việc này, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục bán trú để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.