Năm 2023 đánh dấu nhiều khoảnh khắc đáng nhớ của thể thao Việt Nam. Sau những chiến thắng vang dội trong 6 tháng đầu năm, các đội tuyển thể thao Việt Nam lập tức gặp phải chướng ngại vật lớn mang tên Asiad. Đây cũng là bức tường kiểm chứng, đồng thời ngăn cản thể thao Việt Nam vươn tầm thế giới.

Khởi đầu như mơ

Một trong những giải quốc tế đầu tiên của thể thao Việt Nam trong năm 2023 là Giải vô địch Boxing nữ thế giới. Đây là thời điểm Boxing nữ Việt Nam mang đến Ấn Độ dàn vận động viên (VĐV) gần như mạnh nhất, với những gương mặt xuất sắc nhất ở từng hạng cân thi đấu. Tại đây, một lần nữa cái tên Nguyễn Thị Tâm lại vang lên.

anh1.jpg -0
Thể thao Việt Nam có 6 tháng đầu năm 2023 rực rỡ với thành tích ấn tượng ở SEA Games 32.

Được ví như gương mặt nhiều thập niên mới xuất hiện một lần của Boxing Việt Nam, Nguyễn Thị Tâm đã cho thấy cô hoàn toàn xứng đáng với danh xưng “đẳng cấp thế giới”. Võ sĩ sinh năm 1994 đã đánh bại hàng loạt đối thủ mạnh để bước vào trận chung kết hạng cân 50kg nữ, nơi cô chỉ thua sát nút võ sĩ chủ nhà.

Thành tích của Nguyễn Thị Tâm càng đáng nể hơn, khi cô đánh bại rất nhiều võ sĩ sừng sỏ trên hành trình tiến vào trận đấu cuối cùng. Cô vượt qua Nazym Kyzaibay, võ sĩ từng 2 lần vô địch thế giới ở trận đầu tiên. 2 bại tướng của Nguyễn Thị Tâm sau đó là Laura Fuertes và Wassila Lkhadiri đều sớm giành vé dự Olympic.

Vào thời khắc trận chung kết giữa Nguyễn Thị Tâm và Nikhat Zareen khép lại, tiếng vỗ tay của các đoàn quốc tế chỉ hướng về võ sĩ Việt Nam. Bản thân họ, với con mắt của những người làm chuyên môn, biết kết quả trận đấu có thể sẽ khác nếu như Nguyễn Thị Tâm được chơi trên sân trung lập ở trận đấu này.

Sau tấm HCB thế giới của Boxing nữ, các đội tuyển thể thao Việt Nam tiếp tục có thành tích ấn tượng ở một đấu trường quan trọng khác: SEA Games 32. Đây là kỳ SEA Games đầu tiên Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn dù không thi đấu trên sân nhà. Các VĐV Việt Nam làm nên điều không tưởng khi giành 136 HCV.

Ở một giải đấu mà thể thao Việt Nam không còn lợi thế chủ nhà, đồng thời gặp không ít khó khăn từ lịch thi đấu được ban tổ chức đưa ra, các VĐV đã thể hiện ngoài sức kỳ vọng. Một trong những môn thi đấu ấn tượng nhất của thể thao Việt Nam là Judo, nơi các võ sĩ phải chạm trán không ít đối thủ nhập tịch từ Philippines, Thái Lan và chủ nhà Campuchia.

6 tháng đầu năm 2023 của thể thao Việt Nam khép lại bằng tấm HCV châu Á của Nguyễn Thị Thật. Cuarơ 30 tuổi đã về nhất nội dung xuất phát đồng hành nữ tại Giải vô địch xe đạp đường trường châu Á 2023. Đây cũng là thành tích giúp thể thao Việt Nam có vận động viên đầu tiên giành suất tham dự Olympic Paris.

Kết thúc khó chấp nhận

Tháng 8, thể thao Việt Nam có thêm 1 suất dự Olympic Paris. Chủ nhân tấm vé này là xạ thủ Trịnh Thu Vinh, người đã để mất cơ hội sớm có suất dự Thế vận hội vào cuối năm 2022. Tấm vé đến Paris của Trịnh Thu Vinh tưởng như sẽ mở đầu 6 tháng cuối năm rực rỡ cho thể thao Việt Nam, nhưng viễn cảnh đó đã không xảy ra.

anh2.jpg -0
Tấm huy chương vàng của Phạm Quang Huy là điểm sáng hiếm hoi mà thể thao Việt Nam có được tại Asiad 19.

Không phải SEA Games, Asiad 19 mới là sân chơi lớn nhất của thể thao thành tích cao Việt Nam trong năm 2023. Bên cạnh tầm quan trọng của một kỳ Á vận hội, Asiad 19 còn được nhiều liên đoàn thể thao thế giới chọn làm vòng sơ loại Olympic. Ở đó, không ít VĐV Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm giành suất dự Thế vận hội.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã tham dự Asiad 19 với 332 vận động viên. Bên cạnh việc nỗ lực có một vài suất tham dự Olympic từ Á vận hội, thể thao Việt Nam cũng đặt chỉ tiêu giành 2-5 HCV tại giải đấu này. Bảng chỉ tiêu khiêm tốn đó được hiện thực hóa ở một kết quả tối thiểu, với 3 HCV, 4 HCB và 17 HCĐ.

Trong phạm vi các môn thể thao Olympic, Việt Nam chỉ có 1 HCV của xạ thủ Phạm Quang Huy. Từ một VĐV chưa được biết đến nhiều của đội tuyển bắn súng Việt Nam, Quang Huy đã bước ra ngoài ánh sáng ở một giải đấu anh không phải chịu áp lực thành tích. Ở chiều ngược lại, nhiều đồng đội của anh lại thi đấu dưới sức.

Một số xạ thủ được kỳ vọng cạnh tranh HCV của bắn súng Việt Nam tại Asiad 19 như Trịnh Thu Vinh, Hà Minh Thành lại không có kết quả thực sự tốt. Ngoài Karate và Cầu mây, nhiều đội tuyển thể thao khác cũng có thành tích dưới mức kỳ vọng. Trong đó, câu chuyện buồn nhất là của đội tuyển điền kinh.

5 năm trước, trên đất Indonesia, điền kinh Việt Nam từng lập nên kỳ tích với 2 HCV Asiad. Chỉ tiêu điền kinh Việt Nam đặt ra tại Á vận hội lần này cũng là cạnh tranh HCV ở ít nhất một nội dung. Nhưng cuối cùng, các thành viên đội tuyển đã không thể giành được thành tích nào đáng kể, dù chỉ là 1 tấm huy chương.

Điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam tại Asiad vừa qua là VĐV Nguyễn Huy Hoàng đã đạt 1 chuẩn A và 1 chuẩn B Olympic môn bơi. Đây là thành tích tốt của Huy Hoàng, đặc biệt trong bối cảnh anh phải dàn sức thi đấu khá nhiều trong thời gian qua. Mới đây, Huy Hoàng cũng phải điều trị dứt điểm chấn thương để hướng đến kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Bên cạnh thành tích không mong muốn tại sân chơi Asiad, thể thao Việt Nam còn chịu tiếng xấu với bê bối xung quanh đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia. Những câu chuyện liên quan đến tiền ăn và chế độ của vận động viên như một hồi chuông cảnh báo đến địa hạt thể thao thành tích cao.

Tiến lên hay tụt hậu

Cùng thời điểm thể thao Việt Nam hứng chịu chỉ trích về thành tích tại Asiad 19, Thái Lan cũng rơi vào cảnh tương tự. Họ “chỉ” giành được 12 HCV, thấp hơn chỉ tiêu đăng ký là 15-23 HCV. Với những người làm thể thao Thái Lan, đây là thành tích không thể chấp nhận, đặc biệt khi nước này cử hơn 900 VĐV đến Trung Quốc.

anh4.jpg -1
Bắn súng là môn mở màn chiến dịch vòng loại Olympic của thể thao Việt Nam trong năm 2024.

Câu chuyện của thể thao Thái Lan đặt ra một vấn đề cấp bách với Việt Nam: Không thể mãi ngủ quên trên vinh quang và hài lòng với những thành tích khiêm tốn. Mọi kết quả và những tấm huy chương của thể thao Việt Nam có thể biến mất nếu như không có một kế hoạch phát triển lâu dài.

Thể thao Việt Nam đã trải qua nhiều năm “sống mòn” bằng cách dựa vào thực lực của vận động viên. Trong môn điền kinh, thể thao Việt Nam từng may mắn có nhiều lứa VĐV đẳng cấp cao trong quá khứ như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Bùi Thị Thu Thảo và Quách Thị Lan. Nhưng khi họ giải nghệ hoặc xuống phong độ, điền kinh Việt Nam không còn ai thay thế nữa.

Câu chuyện “sống mòn” của thể thao Việt Nam cũng được thể hiện ở việc nhiều VĐV hàng đầu có dấu hiệu quá tải. Một trong những ví dụ rõ nhất là cách đội tuyển Boxing Việt Nam sử dụng Nguyễn Thị Tâm. Trong năm 2023, cô được hướng đến gặt hái thành tích ở giải vô địch Boxing nữ thế giới và Asiad 19, nhưng cuối cùng lại phải “bổ sung” vào danh sách đội tuyển dự SEA Games 32.

Việc Nguyễn Thị Tâm thi đấu SEA Games sẽ không gây nhiều tranh cãi nếu như cô phải tham dự ở nội dung trái sở trường. Trong nhiều năm, Nguyễn Thị Tâm chỉ thi đấu các hạng cân từ 50 đến 52kg. Nhưng đến SEA Games vừa qua, cô phải tranh tài ở hạng 54kg, vốn là hạng mục võ sĩ này chưa bao giờ thi đấu.

Việc Nguyễn Thị Tâm gặp chấn thương ở SEA Games 32 là điều không ai mong muốn, nhưng là một phần hệ quả từ việc cô phải cày ải quá nhiều trong thời gian ngắn. Chấn thương của Nguyễn Thị Tâm khiến cô không thể dự Asiad với thể trạng tốt nhất, qua đó vô tình khiến thể thao Việt Nam mất một VĐV có khả năng giành HCV.

Xét về mặt tổng quát, thể thao Việt Nam đã không đạt được những mục tiêu lớn nhất trong năm 2023, bao gồm thành tích ở Asiad 19 và số vé tham dự Olympic. Điều này vô tình tạo áp lực và gánh nặng không nhỏ lên những vận động viên trong năm tới, khi họ phải hướng ra sân chơi thế giới, sau 2 năm liền tận hưởng thành quả từ những chiến công vang dội ở SEA Games.

Bắn súng mở đầu hành trình vòng loại Olympic của thể thao Việt Nam

Theo lịch thi đấu vòng loại của môn bắn súng tại Olympic Paris, các xạ thủ châu Á sẽ có thêm cơ hội giành vé đến Thế vận hội tại giải vô địch súng trường và súng hơi châu Á 2024. Giải đấu diễn ra từ ngày 5/1 đến 18/1 tại Jakarta, Indonesia. Đây là giải đấu được kỳ vọng sẽ giúp các xạ thủ Việt Nam có thể giành thêm suất dự Thế vận hội.

Sau giải vô địch súng trường và súng hơi châu Á 2024, các xạ thủ Việt Nam chỉ còn 1 giải đấu khác để giành suất dự Thế vận hội. Đó là vòng loại Olympic được Liên đoàn Bắn súng Thế giới (ISSF) tổ chức vào tháng 4 tại Rio de Janeiro. Bên cạnh thành tích thi đấu ở giải này, ISSF sẽ tính thứ hạng quốc tế của các xạ thủ để chọn VĐV đến Olympic.

Bên cạnh bắn súng, một giải đấu khác có 2 vòng loại Olympic cho các VĐV Việt Nam trong năm 2024 là Boxing. Vòng loại thứ nhất diễn ra vào đầu tháng 3 tại Italia, trong khi vòng loại thứ hai được tổ chức vào cuối tháng 4 – đầu tháng 5 tại Thái Lan. Đây là cơ hội đế các tuyển thủ Boxing Việt Nam có thể giành ít nhất 1 vé tham dự Thế vận hội.

Khác với nhiều môn thể thao thành tích cao, vốn tuyển chọn VĐV dự Olympic qua các giải đấu loại, cầu lông có một hệ thống thi đấu chuyên nghiệp riêng biệt. Vì lý do đó, các VĐV cầu lông sẽ có suất dựa trên thứ hạng quốc tế của họ. Lê Đức Phát và Nguyễn Hải Đăng đang cạnh tranh một suất ở nội dung đơn nam. Trong khi đó, Nguyễn Thùy Linh có thể hướng đến một suất hạt giống đơn nữ.

Đơn Ca

Facebook
Twitter

Bản in
Email
Theo dõi trên News
Quay lại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *