• Bài 1: Chi tiền tỷ để “cải lão hoàn đồng”

Theo số liệu từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, nơi đây phải “sửa chữa” rất nhiều trường hợp tiêm truyền chui tế bào gốc ở spa, thẩm mỹ để trẻ mãi không già nhưng trẻ đâu chưa thấy, chỉ thấy biến chứng nghiêm trọng và khó phục hồi về như cũ. Những quảng cáo thổi phồng sự thật và những dịch vụ tiêm truyền trái phép cần phải được xử lý nghiêm.

Mất tiền, còn mang tật do tiêm chui tế bào gốc

Trước rừng thông tin quảng cáo thổi phồng của tế bào gốc trong da liễu và nhu cầu khát khao “trẻ mãi không già”, nhiều người đã tìm đến các cơ sở spa, thẩm mỹ để tiêm, truyền tế bào gốc. Thực chất, đây là hoạt động trái phép, tiêm truyền chui cho khách hàng.

da lie^~u.jpg -0
BS Nguyễn Quang Minh khám, tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng tế bào gốc nang tóc để điều trị các bệnh lý rụng tóc.

ThS.BSCKII Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện gặp nhiều trường hợp tai biến khi sử dụng tế bào gốc tại chỗ thông qua tiêm truyền trực tiếp trên da, lăn kim, thoa bôi. Các bệnh nhân phải đối diện nguy cơ hay gặp là dị ứng với các thành phần liên quan đến sản phẩm tế bào gốc.

“Chẳng hạn, bệnh nhân tiêm tế bào gốc ở nhiều điểm trên khuôn mặt, sẽ có các hiện tượng nhiễm khuẩn, chậm tan, tạo phản ứng sưng nề, u hạt trên da, làm cho bệnh nhân xấu đi, dễ gây nhiễm trùng, da dễ mẫn cảm hơn, đến trong bệnh cảnh mụn mủ sưng nề, tạo u hạch lâu ngày”, BS Minh cho hay.

Trường hợp nặng nề nhất mà BS Minh gặp là nữ bệnh nhân 42 tuổi, chủ một thẩm mỹ viện ở Hà Nội. Chị này nghe đơn vị cung cấp quảng cáo tiêm tế bào gốc để trẻ hoá, nhãn hàng sản phẩm tế bào gốc từ cuống rốn ở Nhật và chỉ thoa lăn tại da, nhưng chị này lại tiêm. Sau đó gặp biến chứng thuốc không tan trên da, tạo các nốt sần sùi và phải vào viện điều trị cả năm mới đỡ. BS Minh cho biết, có bệnh nhân ở Hà Nội, tiêm tế bào gốc meso trên da với giá 5-10 triệu đồng/lần; hoặc tiêm làm đầy bằng tế bào gốc chi phí 20-50 triệu đồng/lần, sau đó gặp phản ứng không tan trên mặt. “Bệnh nhân sớm nhất ngày thứ 2-3 thấy phản ứng bất thường, có bệnh nhân 1 tháng mới xuất hiện phản ứng không tan trên mặt và tìm đến bệnh viện. Nhiều người lúc này mới đi bắt đền các cơ sở tiêm chui, nhưng rất ít người đòi được tiền bồi thường, có người chỉ lấy lại được 10% số tiền bỏ ra”, BS Minh cho hay.

Nhiều bệnh nhân khi gặp biến chứng vào bệnh viện cho biết, họ bị hấp dẫn bởi những lời quảng cáo đánh vào tâm lý thích làm đẹp, muốn trẻ hoá của nhiều người như: “Tế bào gốc em nhập từ Nhật, truyền vào gia tăng sức khoẻ, chống lão hoá, trẻ đẹp da; hoặc tiêm vào mắt, tĩnh mạch, uống hoặc thoa lăn… làm da căng mịn, trẻ ra cả chục tuổi…”.

“Ma trận tế bào gốc có nhiều đường sử dụng khác nhau. Một liệu trình tế bào gốc ở các nước tiên tiến là 400-500 triệu, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, phỏng vấn bệnh nhân đến với chúng tôi, một số người khen, người lại bảo kết quả không rõ ràng, người bảo hiệu quả giai đoạn đầu, người bảo không thấy thay đổi. Hiệu quả và độ khen chê còn nhiều điều phải bàn cãi”, BS Minh cho biết.

Tế bào gốc có “cải lão hoàn đồng”?

Theo BS Phạm Nguyên Quý, Trưởng khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Kyoto Miniren, Nhật Bản, tế bào gốc là những tế bào đặc biệt trong cơ thể có khả năng tự nhân đôi (tái sinh) và phát triển (biệt hoá) thành nhiều loại tế bào khác nhau, từ tế bào cơ, da, tim. Nhờ khả năng này, chúng có thể sửa chữa các mô bị hư hỏng.

Trên thực tế, lợi ích của tế bào gốc trong việc điều trị một số bệnh cụ thể đã được chứng minh, ví dụ trong điều trị ung thư máu và ung thư hạch bạch huyết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có đủ bằng chứng để khẳng định liệu pháp tế bào gốc có thể chữa hay hỗ trợ các loại ung thư khác hoặc các bệnh mãn tính khác như đái tháo đường, bệnh Parkinson… như một số nơi quảng cáo. “Khi tế bào gốc được kỳ vọng quá mức thì công hiệu hay được thần thánh hoá, thậm chí còn được cố tình “bơm thổi” vì lợi ích kinh doanh”, BS Quý cho hay.

BS Quý cũng cho biết, việc sử dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ với kỳ vọng kích thích mọc tóc, làm trẻ hoá da, cải lão hoàn đồng… hiện nay vẫn còn đang tranh cãi vì chưa đủ dữ liệu để đánh giá. Ông cũng cho biết, hầu hết thông tin đều đến từ một số nghiên cứu thử nghiệm nhỏ lẻ, hoặc từ nơi cung cấp dịch vụ dưới dạng truyện kể của khách hàng mang tính trải nghiệm cá nhân, nên giới khoa học còn hoài nghi về sự chính xác của nó.

“Sử dụng tế bào gốc để trường thọ, kéo dài tuổi xuân, trẻ mãi không già, “cải lão hoàn đồng”…, chúng tôi thấy không có. Riêng bôi tế bào gốc tại chỗ mà xoá bỏ nếp nhăn là không có”, BS Nguyễn Quang Minh cho biết.

Nói về trường hợp sang Đức tiêm tế bào gốc để trẻ khoẻ, hết đau xương khớp, khỏi nhiều bệnh tật, BS Minh cho hay: “Ở Đức không sử dụng tế bào gốc từ người, có thể sử dụng các tế bào chứa axit amin cần thiết liên quan đến bổ trợ cho sức khoẻ cơ thể. Họ làm các biện pháp sàng lọc các bệnh lý cần thiết để đưa ra các liệu pháp tiêm, truyền hoặc hỗ trợ ăn uống mang tính chất điều trị hoặc cải biến. Bệnh nhân có bệnh lý về cơ xương khớp, chuyển hoá, khi làm xong thấy hiệu quả nhất định. Điều này đánh giá đúng tình trạng thiếu hụt axit amin, thiếu hụt chất nền liên quan đến hoạt động cơ xương khớp, từ đó bổ trợ bằng chính phương pháp đó và gọi là liệu pháp tế bào. Nhưng về Việt Nam, để nghe cho hấp dẫn và thu hút người đưa sang, đơn vị môi giới hứa hẹn với khách sang truyền tế bào gốc. Chúng tôi có những hội thảo giao lưu với đồng nghiệp ở nước ngoài, họ bảo chúng tôi không làm tế bào gốc, hoặc chỉ làm các liệu pháp liên quan đến điều trị mang tính chất tế bào, chỉ truyền các loại vitamin nhóm B có vai trò hỗn hợp tốt cho hỗ trợ năng lượng của người bệnh. Đây là cách quảng cáo đánh đồng để thu hút người bệnh”. 

Phải vào cuộc kiểm tra, xử lý

Theo BS Nguyễn Quang Minh, hiện tại Bộ Y tế chưa cấp phép cho sản phẩm tế bào gốc từ người trong điều trị thẩm mỹ và liên quan đến bệnh lý trực tiếp, mà vẫn trong giai đoạn tiềm năng và nghiên cứu ứng dụng.

“Chúng tôi cho rằng tế bào gốc vẫn là tiềm năng và vẫn trong giai đoạn nghiên cứu là phần lớn. Việc ứng dụng và sử dụng một số sản phẩm công nghệ tế bào gốc là có, nhưng nó là sản phẩm từ công nghệ phát triển tế bào gốc hay công nghệ nuôi cấy, có thể chiết xuất một số thành phần liên quan đến tế bào gốc trong việc ứng dụng để điều trị một số bệnh lý và thẩm mỹ, nhưng tất cả vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu”, BS Minh khẳng định.

Liên quan đến chuyên ngành da liễu và ứng dụng trong điều trị các bệnh lý mãn tính và thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương có những nghiên cứu, đánh giá liên quan đến việc sử dụng tế bào gốc và sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc. Tuy nhiên, hiện nay chỉ một số bệnh viện và một số chuyên ngành đã được phê duyệt, còn lại đa số vẫn đang ở dạng tiềm năng nghiên cứu và thử nghiệm.

“Bệnh viện Da liễu Trung ương có sử dụng thành phần tế bào gốc nhưng không qua nuôi cấy, chẳng hạn sử dụng tế bào gốc nang tóc để điều trị các bệnh lý rụng tóc; sử dụng tế bào gốc từ mô mỡ trong điều trị thiếu hụt tổ chức mô; hoặc liên quan đến vai trò một số thủ thuật thẩm mỹ để làm đẹp. Đó là sử dụng tế bào tự thân từ chính cơ thể người bệnh để điều trị và ứng dụng một số chỉ định trực tiếp đến người đó, sử dụng và chỉ định một số bệnh lý của người bệnh, không thông qua nuôi cấy”, BS Minh cho hay. BS cũng khẳng định, quảng cáo tế bào gốc trong môi trường nuôi cấy từ sản phẩm A, hoặc sản phẩm B, hoặc từ người khác ứng dụng vào người bệnh, hiện Việt Nam chưa cấp phép liên quan đến da liễu. 

Vì vậy, những quảng cáo tiêm, truyền tế bào gốc trong làm đẹp, thẩm mỹ và da liễu là tiêm truyền chui, chưa được cấp phép. Bộ Y tế quản lý khắt khe, nên các “mặt hàng” này đưa về Việt Nam là xách tay và nhập lậu, hoặc từ các đơn vị liên kết để đưa sản phẩm về.

Theo BS Phạm Nguyên Quý, tiêm truyền tế bào gốc không rõ nguồn gốc sẽ gặp phải nguy cơ: Nhiễm trùng, phản ứng miễn dịch, mắc ung thư, mạo danh và lừa đảo. Vì vậy, lời khuyên của các bác sĩ, người dân hãy là người tiêu dùng thông thái. Cơ quan chức năng phải kiểm soát dịch vụ tiêm truyền tế bào gốc khi chưa được cấp phép.

Cần phải kiểm soát, xử phát các đơn vị quảng cáo y tế không đúng sự thật, dùng ngôn từ khéo léo như “hỗ trợ chữa lành” một cách chung chung. Nếu không có bằng chứng khoa học xác đáng do Bộ Y tế công nhận thì không được tự do tung hô công dụng “hỗ trợ chữa bệnh hay phòng bệnh”.

  • Cô gái 2 lần ghép tế bào gốc viết tiếp ước mơ đến trường Cô gái 2 lần ghép tế bào gốc viết tiếp ước mơ đến trường
  • Ghép tế bào gốc - cơ may cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh Ghép tế bào gốc – cơ may cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *