Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm sẽ được rút ngắn 7 tháng

Đề xuất giảm 7 tháng cho việc phê chuẩn báo cáo

Là cơ quan được giao nhiệm vụ lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, Luật NSNN số 83/2015/QH13 quy định Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách. Quy định này được cho là quá dài, vì thế đã làm hạn chế tính kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình thực hiện công tác thu, chi NSNN năm trước. Đồng thời làm giảm vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN đối với việc xây dựng dự toán và quản lý NSNN, chưa đảm bảo mục tiêu theo yêu cầu Quốc hội nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cho việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm và tổng hợp trình Chính phủ. Đồng thời, Bộ Tài chính đã đề xuất Báo cáo quyết toán NSNN hàng năm được Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp cuối năm sau, tức là giảm 7 tháng so với quy định tại Luật NSNN năm 2015, trong đó dự kiến một số nội dung thay đổi lớn.

Cụ thể là tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Rút ngắn thời gian quyết toán NSNN ở từng khâu, phấn đấu thời gian trình quyết toán NSNN khớp với thời gian trình dự toán NSNN năm sau; trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo.

Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) là khâu cuối trong chu trình ngân sách, vì thế, các quy định về lập, phân bổ dự toán, chấp hành dự toán, khóa sổ cuối năm tác động đến công tác quyết toán NSNN. Báo cáo quyết toán NSNN cung cấp các thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh công tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý, điều hành, sử dụng, kiểm tra, giám sát công tác tài chính – ngân sách được hiệu quả hơn.

Nâng cao tính tự chịu trách trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN trong sử dụng và quyết toán NSNN. Làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan tham gia vào quy trình quyết toán NSNN (đơn vị dự toán các cấp, cơ quan tài chính các cấp, Kiểm toán Nhà nước…). Điều chỉnh nhiệm vụ của các khâu trung gian trong quy trình quyết toán, tránh chồng chéo về trách nhiệm của các cơ quan. Tăng cường công tác hậu kiểm (kiểm tra, thanh tra, kiểm toán) đối với quyết toán NSNN.

Cụ thể hóa trách nhiệm của các đơn vị

Cũng theo KBNN, mô hình quản lý ngân sách của Việt Nam hiện nay là mô hình lồng ghép, quy trình tổng hợp, lập báo cáo phức tạp, được thực hiện ở nhiều cấp ngân sách. Đồng thời, quy trình xét duyệt, thẩm định quyết toán NSNN còn chồng chéo, chưa hiệu quả, chưa đề cao trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách. Do đó, gây khó khăn cho việc lập Báo cáo quyết toán NSNN chung của cả nước.

Để khắc phục tình trạng này và để nâng cao hiệu quả của Báo cáo quyết toán NSNN hàng năm, ngoài việc đề xuất rút ngắn quy trình và thời gian, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định về trách nhiệm của các đơn vị trong công tác lập, tổng hợp báo cáo.

Theo đó, đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) có trách nhiệm loại bỏ khỏi quyết toán các khoản thu chi NSNN không đúng quy định theo kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Thủ trưởng ĐVSDNS chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN, đảm bảo thu, chi NSNN đúng quy định pháp luật, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; chứng từ chi NSNN hợp pháp, hợp lệ; số liệu quyết toán thu, chi ngân sách đảm bảo chính xác, trung thực, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.

Các đơn vị dự toán cấp trên có trách nhiệm kiểm tra số liệu quyết toán của ĐVSDNS cấp dưới trực tiếp, gồm: kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về phí, lệ phí và các chế độ thu khác của nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; kiểm tra số liệu chi ngân sách theo dự toán được giao chi tiết đến lĩnh vực, nhiệm vụ chi; đối chiếu với xác nhận của KBNN nơi giao dịch. Đồng thời, kiểm tra số liệu tổng hợp quyết toán ngân sách của đơn vị dự toán cấp dưới trực tiếp đảm bảo khớp đúng với dự toán được giao, chi tiết theo lĩnh vực chi, nhiệm vụ và nội dung chi.

Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm sẽ được rút ngắn 7 tháng
Ảnh minh họa

Về trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp tại địa phương, Bộ Tài chính đề xuất quy định, các đơn vị phải thực hiện tổng hợp quyết toán ngân sách địa phương từ đơn vị dự toán cấp I và báo cáo quyết toán ngân sách cấp dưới đã được Hội đồng nhân dân phê chuẩn.

Cơ quan kiểm toán nhà nước có trách nhiệm thực hiện kiểm toán quyết toán NSNN tại các bộ, cơ quan trung ương trước khi tổng hợp báo cáo quyết toán gửi Bộ Tài chính; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (cấp tỉnh) trước khi trình hội đồng nhân dân phê chuẩn; kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm đánh giá tính đúng đắn, trung thực, phù hợp của số liệu quyết toán; kiến nghị loại bỏ những nội dung thu chi chưa đúng trong chấp hành ngân sách, tổng hợp số liệu quyết toán của các đơn vị sử dụng ngân sách, các cấp dự toán, các cấp ngân sách.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ kiểm tra số liệu quyết toán của đơn vị dự toán cấp I đồng thời là ĐVSDNS. Tổng hợp số liệu quyết toán từ các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, lập báo cáo quyết toán NSNN trình cấp có thẩm quyền. Trong quá trình tổng hợp báo cáo quyết toán, thực hiện rà soát số liệu quyết toán của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đảm bảo khớp đúng với dự toán được giao, chi tiết theo lĩnh vực chi. Trường hợp phát hiện ra sai sót, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương điều chỉnh lại số liệu quyết toán; đối với ngân sách địa phương, Bộ Tài chính yêu cầu UBND cấp tỉnh trình HĐND điều chỉnh lại số liệu quyết toán.

RẤT CẦN SỰ ỦNG HỘ VÀ QUYẾT TÂM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐIA PHƯƠNG

Bộ Tài chính cho biết, việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) là một thách thức lớn, rất cần sự ủng hộ và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt đối với các bộ, cơ quan trung ương có cơ cấu tổ chức gồm nhiều cấp dự toán và các địa phương có số thu, chi NSNN lớn. Theo đó, ngoài việc phải sửa cơ chế, chính sách đồng bộ để đảm bảo tính khả thi của phương án và đảm bảo mục tiêu theo yêu cầu Quốc hội nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, Bộ Tài chính đã đề xuất 1 số giải pháp. Đơn cử như tăng cường thanh tra, kiểm toán quyết toán NSNN: Các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra chuyên ngành… phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán quyết toán NSNN, đảm bảo tất cả các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được thanh tra, kiểm toán đầy đủ về công tác quyết toán ngân sách. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quyết toán NSNN: Chính phủ sẽ nghiên cứu để có phương án triển khai thống nhất từ các bộ, ngành, địa phương đến các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc xây dựng phần mềm kế toán, đảm bảo thống nhất các nguyên tắc kế toán và hệ thống mẫu biểu để kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền liên quan, tạo thuận lợi trong công tác tổng hợp quyết toán NSNN. Bố trí bổ sung biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho bộ máy làm công tác tài chính, ngân sách tại các đơn vị dự toán, cơ quan tài chính… đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc.