Tỉnh Bình Dương vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, tỉnh này sẽ căn cứ theo các quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ (về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025) và Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND của tỉnh Bình Dương (quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương nhằm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững) để triển khai đồng thời 4 dự án phục vụ công tác giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

Cụ thể, tổng kinh phí tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ chi ra trong các năm 2024-2025 là khoảng 24,2 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách tỉnh từ nguồn vốn sự nghiệp đảm bảo bố trí hơn 12,31 tỷ đồng. Các thành phố, thị xã (bao gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát) sẽ đảm bảo bố trí hơn 11,88 tỷ đồng.

Bốn dự án phục vụ giảm nghèo bền vững các năm 2023-2025 tại Bình Dương bao gồm: Dự án đa dạng hóa kinh tế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo (tổng kinh phí thực hiện 8 tỷ đồng); Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và cải thiện dinh dưỡng (tổng kinh phí 10,29 tỷ đồng); Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (kinh phí 2,8 tỷ đồng); Dự án Nâng cao năng lực và giám sát chương trình (1,4 tỷ đồng).

Với các dự án trên, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu mỗi năm giai đoạn 2023-2025 giảm tối thiểu 0,3% tỷ lệ hộ nghèo. Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 1%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối tìm việc làm; 100% hộ nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Song song đó, giảm ít nhất 20% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở, giảm tỷ lệ thiếu hụt về tình trạng đi học của trẻ em hộ nghèo từ mức 2,3% xuống còn 1,2% đồng thời đảm bảo tối thiểu 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn nước sạch và có nhà vệ sinh phù hợp tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Bình Dương: Chi 24,2 tỷ đồng để giảm nghèo bền vững
Trong thời gian qua, hơn 19.000 lượt người nghèo tại Bình Dương đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sinh kế và cải thiện thu nhập

Liên quan đến hoạt động hỗ trợ tài chính, tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bình Dương, tính đến cuối tháng 10/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa phương này đạt khoảng gần 4.500 tỷ đồng, tăng khoảng 262,2 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách đối với trên 19.000 lượt khách hàng đạt khoảng 1.110,7 tỷ đồng.

Hiện Bình Dương là một trong số các địa phương có tỷ lệ ủy thác vốn từ ngân sách tỉnh sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay người nghèo cao nhất trên địa bàn cả nước. Tính đến cuối quý III/2023, trong tổng số hơn 4.474 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách tại Bình Dương, ngân sách địa phương này ủy thác để cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay người nghèo chiếm khoảng 43%, tương đương khoảng 1.900 tỷ đồng, tăng gần 33,7 tỷ đồng so với đầu năm.

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Dương cũng đang đề nghị Trung ương bổ sung 115 tỷ đồng để phục vụ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Đồng thời, đề nghị ngân sách tỉnh Bình Dương bổ sung 200 tỷ đồng để thúc đẩy cho vay chương trình nhà ở xã hội trên địa bàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *