Năm đầu tiên nhập ngũ, tôi lại gác đêm đúng vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, trong khi các đồng đội háo hức chờ đón để xem chương trình ca nhạc tổng hợp của đoàn văn công về đơn vị biểu diễn. Suốt cả tuần đó, mặc dù bước vào giai đoạn huấn luyện tương đối vất vả, nhất là mọi người đều mới rời ghế nhà trường, lần đầu được tiếp xúc với ba lô, súng đạn, những chặng đường hành quân đêm xuyên qua cánh rừng tràm, rừng điều đất phương Nam mênh mông bát ngát nhưng khi nghe tin tức về đoàn văn công đến biểu diễn khiến bước chân hành quân dường như nhanh hơn, khoẻ khoắn hơn.

Khi chuẩn bị đến ngày 22/12, mọi người bắt đầu quan tâm đến mình gác ca nào? có trùng vào giờ biểu diễn không? Gác là nhiệm vụ chiến đấu thường xuyên nhưng cũng phải thú thật, chẳng ai muốn mình rơi vào ca gác “oái ăm” ấy cả. Cũng may hôm ấy, tôi đảm nhiệm gác từ 21-22 giờ, có nghĩa là vẫn được xem gần trọn buổi biểu diễn, tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy mà gần đến giờ biểu diễn, đồng đội gác trước tôi chẳng hiểu ăn phải thứ gì mà quay ra đau bụng, phải xuống bệnh xá xử lý. Tôi được đôn xuống gác từ 20-21 giờ, đúng khung giờ biểu diễn. Khỏi phải nói tôi bực đến cỡ nào nhưng không dám “hé răng” nửa lời, trong đầu thoáng nghĩ: Hay là hắn ta giả vờ để sau khi xuống bệnh xá, uống thuốc xong là tuyên bỗ đỡ đau rồi lại về sân đơn vị ung dung ngồi xem. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn phải ra thay gác cho đồng đội của mình.

Giờ huấn luyện ở Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân. Ảnh: Phúc Vinh

Vọng gác nằm ở cuối hàng rào khuôn viên, theo con đường mòn xuyên qua một vườn tràm nhỏ. Mặc dù quá trình gác phải quan sát mục tiêu xung quanh nhưng thi thoảng, tôi vẫn dỏng tai về phía sân đơn vị, nghe ca sĩ hát tiếng được, tiếng mất vì gió đánh bạt đi. Thời gian trôi đi khiến tôi càng nóng ruột, chỉ mong giờ biểu diễn kéo dài. Còn khoảng 15 phút nữa mới hết ca gác, tôi thấy một bóng người từ vườn tràm đi ra. Chưa đến giờ thay gác nên chắc chỉ có cán bộ ra kiểm tra gác mà thôi, vì vậy tôi càng cảnh giác, hỏi mật khẩu rõ to. Sau khi nhận diện xong, tôi thở phào nhẹ nhõm vì đồng đội mình đã cố gắng ra trước cả chục phút để chia sẻ chút thời gian cho tôi được xem ca nhạc.

Bàn giao xong, tôi chạy như bay về sân đơn vị, ngồi cùng đồng đội, bắt đầu thưởng thức chương trình ca nhạc đang trôi dần về cuối. Một giọng nữ ca sĩ vang lên trong trẻo: Có người lính/ Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo…/ Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây che…

Hàng trăm cánh tay đung đưa theo nhịp nhạc. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” bình dị, trang bị thô sơ nhưng kiên cường, bất khuất trong lời hát đã khiến cả sân đơn vị như lắng lại để cảm nhận, để soi mình vào đó. Bài hát ấy đã kết thúc chương trình biểu diễn của đoàn, thủ trưởng đơn vị lên sân khấu tặng hoa và cùng nhau ca vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Khi tràng pháo tay vừa dứt thì chúng tôi trở về đơn vị. Trong lòng tôi vẫn lâng lâng cảm xúc, cảm nhận niềm vui vô bờ bến khi vừa hoàn thành nhiệm vụ trong ngày trọng đại mà vẫn được thưởng thức âm nhạc theo cách không thể nào tốt hơn.

Thanh Hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *