Sạt lở từ bờ sông…

ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia Nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL chia sẻ với NNVN về tình trạng “đói lũ” và “dòng nước đói” ở miền Tây.

Theo ông Thiện, ĐBSCL nằm ở vị trí giáp biển nên chịu ảnh hưởng từ biển vào. Hiện nay, trung bình nước biển dâng đều đặn hàng năm khoảng 3,6 cm. Tuy là chậm nhưng tích lũy nhiều năm thì sẽ gia tăng đáng kể, trong khi đó nội tại vùng ĐBSCL lại đang bị sụt lún.

ĐBSCL nằm ở cuối dòng sông Mê Kông, trên 90% lượng nước đổ về vùng đồng bằng này là từ thượng nguồn, chỉ có một tỷ lệ nhỏ nội sinh từ nguồn nước mưa. Khi biến đổi khí hậu tác động lên các quốc gia trên lưu vực sông Mê Kông đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước đổ về hạ lưu.

Thiếu phù sa và hoạt động khai thác cát dọc theo suốt chiều dài sông Mê Kông ở tất cả các quốc gia trên lưu vực và cả ở khu vực ĐBSCL đã tạo ra 'dòng nước đói' ăn vào bờ gây ra sạt lở. Ảnh: Trung Chánh.

Thiếu phù sa và hoạt động khai thác cát dọc theo suốt chiều dài sông Mê Kông ở tất cả các quốc gia trên lưu vực và cả ở khu vực ĐBSCL đã tạo ra “dòng nước đói” ăn vào bờ gây ra sạt lở. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài ra, trên dòng sông Mê Kông còn có sự xuất hiện của các đập thủy điện ở trên dòng chính và các dòng nhánh. Hoạt động của các hồ thủy điện đã gây tác động rất lớn đến nguồn nước đổ về ĐBSCL, làm thay đổi hoàn toàn quy luật tự nhiên và ngăn cản đường di chuyển của phù sa. Cộng với hoạt động khai thác cát dọc theo suốt chiều dài sông Mê Kông ở tất cả các quốc gia trên lưu vực và cả ở khu vực ĐBSCL đã tạo ra “dòng nước đói” ăn vào bờ gây ra sạt lở. Thiếu cát làm cho lòng sông bị sâu, bờ sông thành những vách đứng, cao hơn và nặng hơn dễ gây ra sụp đổ xuống sông.

Tại Hậu Giang, sạt lở thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp trên các nhánh kênh, sông, rạch gần với lưu vực của sông Hậu.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, ngoài các tác động của biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy, thủy triều, thì việc thiếu hụt lượng phù sa đổ về hàng năm, cộng với hoạt động khai thác cát quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở ngày càng gia tăng nghiêm trọng. Khai thác cát làm cho lòng sông Hậu càng sâu thì nó sẽ “rút ruột” các nhánh sông sâu theo, dẫn đến sạt lở diễn ra phức tạp.

… đến bờ biển

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, hàng ngàn năm qua lũ mùa nước nổi trên dòng sông Mê Kông mang theo phù sa đổ về ĐBSCL tắm cho ruộng đồng, sau đó sẽ thoát ra các cửa biển. Sang đến mùa khô lượng phù sa này sẽ được tái phân phối bồi đắp vào bờ, làm cho ĐBSCL tiến dần ra biển trong suốt quá trình hình thành cho đến nay.

Vùng nước đục do phù sa đổ ra biển. Ảnh: Trung Chánh.

Vùng nước đục do phù sa đổ ra biển. Ảnh: Trung Chánh.

Chính nguồn nước mang phù sa đổ ra biển đã tạo ra một vùng nước đục bao quanh khu vực ĐBSCL khoảng 20 đến 30 km ngoài biển. Vùng nước đục này thường nặng hơn so với nước trong xanh ngoài biển nên khi sóng từ biển khơi đánh vào bờ đi qua vùng nước đục sẽ bị cản lại và làm giảm đi rất nhiều năng lượng. Và khi sóng biển tiến sát vào trong bờ thì gặp thêm cánh rừng phòng hộ cản lại nên bờ biển ở phía trong luôn được an toàn.

Nhưng hiện nay lũ mùa nước nổi rất thấp, lượng nước đổ ra biển ít, lại là “dòng nước đói” thiếu phù sa nên vùng nước đục sẽ bớt đục, sóng biển khi đánh vào bờ không bị cản lại nên sẽ hung hãn hơn, tác động vào bờ mạnh hơn. Mà khi đã mất phù sa bồi đắp thì rừng phòng hộ cũng không thể trụ nổi, mất dần, từ đó bờ biển cũng bị sạt lở theo.

Cần có giải pháp căn cơ

Về giải pháp, theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện thì chúng ta phải di dời người dân ra khỏi những vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao. Việc di dời người dân sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta làm trước khi sạt lở xảy ra, sẽ giảm đáng kể được thiệt hại.

Khác với khu vực miền núi là tình trạng sạt lở thường xảy ra vào mùa mưa thì ở ĐBSCL sạt lở lại xảy ra từ giữa và cuối mùa khô hàng năm. Khi nguồn nước ở trong các sông, rạch trở lên cạn kiệt, những đoạn bờ sông bị xoáy hàm ếch sẽ sụp xuống gây sạt lở. Đến mùa mưa khi nước sông dâng cao thì tình trạng sạt lở sẽ giảm.

Cần có cảnh báo sớm và dành nguồn lực hỗ trợ, tạo quỹ đất để di dời người dân ở những nơi nguy cơ sạt lở cao, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho họ ổn định cuộc sống. Ảnh: Trung Chánh. 

Cần có cảnh báo sớm và dành nguồn lực hỗ trợ, tạo quỹ đất để di dời người dân ở những nơi nguy cơ sạt lở cao, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho họ ổn định cuộc sống. Ảnh: Trung Chánh. 

Mặc dù tình trạng sạt lở bờ sông thường xảy ra bất ngờ nhưng việc thăm dò, cảnh báo sớm cũng không quá khó. Để xác định những nơi có nguy cơ sạt lở, các địa phương chỉ cần thành lập các đội dùng xuồng đi trên sông, rạch và có thiết bị để thăm dò lòng sông, xác định rõ những nơi bị xoáy hàm ếch để cảnh báo và di dời người dân sớm, từ đó sẽ tránh được rất nhiều thiệt hại, nhất là về sinh mạng.

Thay vì chúng ta đầu tư các công trình kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển tiêu tốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thì nên dành nguồn lực đó hỗ trợ, tạo quỹ đất để di dời người dân ở những nơi nguy cơ cao, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho họ sẽ tốt hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *