Nhiều vấn đề về tâm lý học đường được đề cập tại lễ ra mắt chương trình hỗ trợ tâm lý “Đưa chuyên gia đến với trường học” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 15/11 tại Trường THPT Marie Curie, TPHCM. 

Chia sẻ bên lề chương trình, TS Phạm Thị Thúy – Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM – nhắc đến trường hợp một em học trò cấp 2 ở Bình Dương kể rằng bố mẹ em rất bận rộn, đi từ sáng đến đêm, gần như trong ngày em không thể gặp mặt bố mẹ.

“Cả ngày em không mấy khi được gặp bố mẹ. Khi hiếm hoi có thể gặp mặt thì bố mẹ chỉ toàn la mắng, nhắc nhở học bài đi, làm bài đi, nhắc cái này cái kia…”, cô học trò nói. 

Đứa trẻ òa khóc: Cả ngày không thấy mặt bố mẹ, có gặp chỉ toàn nghe la - 1

Học trò chia sẻ tại chương trình hỗ trợ tâm lý “Đưa chuyên gia đến với trường học” (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Khi trải lòng, em nữ sinh òa khóc nức nở ngay giữa hội trường như được tuôn ra những chất chứa, dồn nén lâu nay. 

TS Phạm Thị Thúy kể trường hợp khác xảy ra với em học sinh 14 tuổi, có mẹ là giảng viên đại học. Khi thấy mình bất ổn, có các biểu hiện của bệnh trầm cảm, em đã chia sẻ và “cầu cứu” đến mẹ. Vậy nhưng, người mẹ lại gạt đi, cho rằng đó chỉ là những biểu hiện của tâm lý lứa tuổi và cấm con đi tìm chuyên gia tâm lý. 

May mắn thay em học trò còn tự biết kết nối với chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ, chống chọi với trầm cảm. 

Bà Phạm Thị Thúy cho hay, hiện nay nhiều học trò gặp bất ổn tâm lý xuất phát từ nhiều yếu tố học tập, mối quan hệ bạn bè, thầy cô…

Và vấn đề các em gặp nhiều nhất xuất phát từ yếu tố gia đình như bố mẹ ly hôn, bất hòa, không có thời gian cho con cái, áp đặt… Trong đó, nhiều học trò hoàn toàn mất kết nối với gia đình, bố mẹ con cái không thể trò chuyện, chia sẻ với nhau.  

“Việc con trẻ mất kết nối với gia đình, nhà trường có thể sẽ dẫn đến những rối loạn về cảm xúc, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh”, bà Thúy cảnh báo. 

Đứa trẻ òa khóc: Cả ngày không thấy mặt bố mẹ, có gặp chỉ toàn nghe la - 2

Ông Phạm Anh Thắng – Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Ông Phạm Anh Thắng – Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – cho biết, vấn đề liên quan đến trẻ em, học đường đang được xã hội rất quan tâm. Đây cũng là chủ đề dễ gây phản ứng trái chiều trên cả không gian mạng và cả trong đời thực. Điều này đòi hỏi sự quan tâm đến công tác chăm lo tâm lý học đường và truyền thông thật tốt để định hình tâm lý cho trẻ 

Ông Phạm Anh Thắng thông tin, hiện cả nước có gần 100 triệu dân, trong đó có 27 triệu trẻ em. Bằng các hành lang pháp lý, nhà nước đã quan tâm toàn diện đến các em nhưng vẫn còn nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt.

Ông Thắng nhấn mạnh: “Bên cạnh tâm lý học đường nói chung, cần có sự quan tâm một cách có chiều sâu đến tâm lý trẻ em yếu thế, trẻ khuyết tật. Trong đó, với trường học cần phòng chống bạo lực học đường, xâm hại, đặc biệt chú trọng việc ưu tiên yếu tố phòng ngừa, đồng thời cần chú ý phòng chống tai nạn thương tích”. 

Bà Lê Thị Hồng Anh – Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, TPHCM – chia sẻ, trong độ tuổi này, học sinh mang trong mình nhiều câu hỏi, nhiều băn khoăn cần giải đáp từ những chuyện bị bố mẹ la mắng, bị điểm thấp, bị bạn bè làm lơ… 

Đứa trẻ òa khóc: Cả ngày không thấy mặt bố mẹ, có gặp chỉ toàn nghe la - 3

Nhiều học trò chưa tự tin chia sẻ vấn đề của mình với thầy cô, chuyên gia tâm lý (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Vậy nhưng các em không dám chia sẻ lo lắng của mình vì sợ nhiều người biết, sợ không nhận được sự đồng cảm. Các em chưa tự tin tìm đến phòng tư vấn học đường hay giãi bày vấn đề của mình với thầy cô.

Khi gặp khó khăn, học trò thường tự mình giải quyết cũng là một trong những lý do dễ dẫn đến bạo lực. 

Theo bà Lê Thị Hồng Anh, cần có sự phối hợp giữa ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô tư vấn tâm lý để giúp học sinh đến gần hơn với tâm lý học sinh. Trong đó, người làm công tác tư vấn đổi mới phương pháp để gần gũi với học trò hơn. 

Ngoài ra, cần có hành lang pháp lý rõ ràng và sự vào cuộc, đồng hành của nhiều cơ quan liên quan, tăng cường chính sách hỗ trợ cho chính sách tư vấn tâm lý thì việc tư vấn tâm lý học đường mới thực chất.

Đứa trẻ òa khóc: Cả ngày không thấy mặt bố mẹ, có gặp chỉ toàn nghe la - 4

Hình ảnh nữ sinh lớp 6 Trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội bị đánh ngay tại trường (Ảnh cắt từ clip).

Theo kế hoạch của chương trình, trong năm học 2023 – 2024, các chuyên gia tâm lý sẽ đến 20 trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như câu chuyện ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, kỹ năng phòng chống xâm hại, giảm stress trong học tập, chọn ngành chọn nghề…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *