Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cũng như Nghị định 100 về xử phạt giao thông đã thể hiện rõ hiệu quả trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông do liên quan đến rượu bia. Cứ nhìn vào những quán nhậu sau giờ tan tầm là có thể nhận ra tác động của những quy định này vào cuộc sống.

Thực tế trước đây vẫn có những quy định về việc giới hạn uống rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên hiện nay với người đi ô tô là cấm tuyệt đối đồ có cồn chứ không còn dừng lại ở giới hạn. Chưa kể là mức xử phạt cũng cao hơn rất nhiều, “kịch khung” lên đến 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 2 năm.

Ngay cả với người trung bình khá, mức 40 triệu đồng có thể tương đương với 2 tháng lương. Chưa kể là bị “treo bằng” tới 2 năm thì không hiểu cuộc sống sẽ đảo lộn thế nào, nhất là với những người sống bằng nghề lái xe thì coi như là “treo niêu”.

Sự tuân thủ của người dân đến từ mức phạt cao, đủ sức răn đe. Nhưng cũng còn đến từ việc lực lượng chức năng tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý và xử lý nghiêm. Được biết là hiện nay CSGT có thể lập đoàn đo nồng độ cồn cả vào buổi sáng, thay vì chỉ có buổi tối, buổi trưa như trước đây.

Trên bàn nhậu, không khó để nghe câu từ chối uống ly bia, rượu với lý do “không uống đâu, lát bị thổi” hay “sợ bị phạt”… Hầu như chẳng thấy ai nói: tôi không uống đâu, sợ lát mất tỉnh táo thì lái xe sẽ không an toàn. Như vậy phải chăng ý thức chấp hành của người dân hiện nay là vì sợ, chứ chưa hẳn đã thực sự hiểu tác hại của rượu bia?

Bằng lý do này hay lý do khác thì việc người dân không lái xe sau khi uống rượu bia cũng đều mang lại những chuyển biến tích cực. Nhưng thử hỏi với suy nghĩ không uống vì “sợ bị phạt” thì khi vắng bóng lực lượng chức năng thì việc tuân thủ có còn được như hiện nay?

Thực tế, tôi đã thấy một số suy nghĩ như này. Một là có những người tìm hiểu giờ làm việc của các tổ công tác, của CSGT và tìm tuyến đường không có đơn vị kiểm tra để đi, sau khi uống rượu bia. Rõ ràng, lực lượng chức năng không thể làm 24/24 và không thể làm ở tất cả mọi nơi.

Thứ hai, có những người lại mang suy nghĩ “đằng nào khi kiểm tra cũng bị phạt thì cứ uống thả ga”. Thế là khi đã uống rồi, họ sẵn sàng uống nhiều, uống say rồi sau đó vẫn lái xe với tâm lý sẵn sàng bị phạt “kịch khung”. Trường hợp này mới thực sự là nguy hiểm bởi mức cồn cao thì càng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Song song với câu chuyện làm nghiêm, làm chặt thì tôi cho rằng cần làm sâu rộng để người dân thực sự hiểu và ý thức được tác hại của rượu bia, nhất là khi tham gia giao thông. Nếu chỉ đến từ 1 phía, sẽ lại xảy ra việc tìm cách đối phó, chống đối như với yêu cầu bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trước đây.

Độc giả Nguyễn Hoàng

Bài viết này thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với ý kiến của báo Dân trí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *