Kiểm soát tập trung kinh tế trong giao dịch M&A Sức bật mới cho thị trường M&A

Đối với việc tái cấu trúc công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có chủ trương hợp nhất và sáp nhập (M&A) chứ không cấp phép mở mới công ty chứng khoán. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty chứng khoán trở nên “có giá” hơn rất nhiều. Tận dụng điều này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực dồi dào, ưu thế công nghệ… đã rót tiền và M&A nhiều công ty chứng khoán nhỏ. Các hoạt động này vừa phá vỡ “thế độc tôn” của những công ty chứng khoán lớn, vừa giúp nhà đầu tư chứng khoán được hưởng lợi rất nhiều từ các chương trình giảm phí, cải thiện năng lực tư vấn đầu tư… Điều này đã được minh chứng trước đây qua những cái tên như (vốn Hàn Quốc), Chứng khoán Mirae Asset (vốn Hàn Quốc).

“Làn sóng” thâu tóm có thể phá vỡ thế độc tôn của các công ty chứng khoán lớn

Tuy nhiên, trong các năm trở lại đây, xu hướng thâu tóm công ty chứng khoán có sự thay đổi với bên mua là những “ông chủ” người Việt. Thậm chí, họ còn mua lại phần vốn từ các cổ đông ngoại. Hạ tuần tháng 7/2023, cổ đông ngoại Inter Pacific Securities Sdn Bhd (IPSSB) và ông Phương Anh Phát (cựu Thành viên HĐQT) đã chuyển nhượng tổng cộng 12,06 triệu cổ phần SBBS của Chứng khoán Saigonbank Berjaya, tương ứng tỷ lệ 40,22%, cho bà Nguyễn Thị Hương Giang. Sau giao dịch, bà Hương Giang đã nâng tỷ lệ sở hữu tại SBBS từ 0% lên 40,22%, trong khi IPSSB hạ phần vốn nắm giữ từ 49% xuống còn 13,33%.

Cùng trong tháng 7/2023, tại CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS), bà Nguyễn Thị Bích Hồng (cựu Chủ tịch HĐQT) đã chuyển nhượng 21 triệu cổ phiếu, hạ sở hữu từ 89,5% xuống còn 5,5%. Ở chiều ngược lại, bà Phạm Thu Hằng báo cáo đã nhận chuyển nhượng 66% vốn, tương ứng với 16,5 triệu đơn vị.

Sau giao dịch trên, bà Hồng thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT LPBS. Thay vào vị trí đó, bà Vũ Thanh Huệ được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT LPBS. Không chỉ là lãnh đạo của Chứng khoán LPBank, bà Huệ còn là đang là Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Thaiholdings (mã THD), Thành viên HĐQT của CTCP Thẩm định giá Tràng An, Chủ tịch HĐQT của CTCP Mua bán nợ AMT.

Ngoài ra, có thể kể đến nhiều thương vụ M&A của công ty chứng khoán với chủ mới là các nhà đầu tư nội như: Chứng khoán CV với cổ đông lớn nhất nắm 49% vốn là CTCP Dịch vụ Di động Trực Tuyến (chủ sở hữu ví điện tử Momo); Chứng khoán KAFI với nhóm cổ đông mới có nhiều liên hệ đến Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Chứng khoán DSC với nhóm TC Group…

Giới chuyên gia nhìn nhận, thị trường chứng khoán giai đoạn 2020-2023 đã có sự phát triển mạnh cả về mặt điểm số và số lượng nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư F0 tham gia thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài dù “trường” vốn, song do sự khác biệt về văn hóa nên khó thích nghi với thị trường Việt Nam.

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận: “Có 2 hình thức M&A trên thị trường chứng khoán hiện tại. Một là các công fintech mua lại công ty chứng khoán để hợp thức hóa dịch vụ của mình. Hai là một số nhà băng tham gia mua công ty chứng khoán nhưng không trực tiếp đứng tên mà thông qua các thể nhân/pháp nhân có liên quan”.

Việc các ông chủ người Việt mạnh tay M&A công ty chứng khoán không chỉ thuần túy kiếm lợi nhuận từ cho vay ký quỹ (margin) theo cách thức truyền thống. Theo ông Minh phân tích: “Với một công ty chứng khoán trong tay, giới chủ có thể làm được rất nhiều nghiệp vụ phục vụ cho mục đích riêng như tư vấn phát hành chứng khoán, tăng vốn, niêm yết… Mặt khác, cũng chính nhờ sự tham gia này, bản thân các công ty chứng khoán cũng được hưởng lợi và nâng tầm phát triển”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *