Vĩnh Long có vườn cây ăn trái lớn tại ĐBSCL. Ảnh: Kiều Nhi.

Vĩnh Long có vườn cây ăn trái lớn tại ĐBSCL. Ảnh: Kiều Nhi.

Vùng nguyên liệu nông sản lớn, đa dạng

Nông nghiệp là một trong 3 trụ cột chính của kinh tế tỉnh Vĩnh Long. Năm 2022 lĩnh vực này chiếm 38,76% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Với khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, diện tích lúa 3 vụ ở tỉnh Vĩnh Long khoảng 112.000ha, sản xuất được gần 680.000 tấn lúa.

Theo Cục Thống kê Vĩnh Long, tính đến năm 2022, diện tích loại cây ăn trái đạt 56.758ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn. Các loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao như: cam sành (17.734ha) bưởi (8.971ha), xoài (5.080ha), nhãn (5.853ha), sầu riêng (3.682ha) chôm chôm (2.722ha).

Rau các loại có diện tích khoảng 35.000ha, sản lượng trên 690.000 tấn. Vĩnh Long nổi tiếng cả nước với vùng nguyên liệu khoai lang với diện tích hàng năm dao động 10.000ha, sản lượng trung bình khoảng 300.000 tấn.

Thủy sản là một những mũi đột phá của tỉnh, với diện tích nuôi trồng khoảng 2.200ha, sản lượng nuôi trồng và khai thác (chủ yếu là cá tra) đạt trên 150.000 tấn/năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm khá phát triển (tổng đàn gia cầm khoảng 11 triệu con, heo 185.000 con, bò 81.000 con).

Vĩnh Long có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Kiều Nhi.

Vĩnh Long có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Kiều Nhi.

Với vùng nguyên liệu lớn, đa dạng sẽ là lợi thế để Vĩnh Long thu hút, kêu gọi đầu tư. Ông Hồ Văn Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Xanh cho biết, HTX có diện tích trồng mít ruột đỏ đạt 15ha, trong đó đã có 10ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo ông Sáu, sắp tới ngoài xuất trái tươi HTX dự tính kêu gọi đầu tư chế biến xuất khẩu đi các thị trường khó tính.

Vĩnh Long còn có sản lượng cam trên 820.000 tấn. Theo ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, tỉnh đang đầu tư dự án, khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng đầu ra. Với lợi thế là vùng cam sành lớn tỉnh đã kêu gọi và có doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư chế biến sản phẩm từ loại trái cây này. Đặc biệt, trong năm qua Vĩnh Long đã kêu gọi nhiều án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản.

Môi trường đầu tư thông thoáng

Bên cạnh vùng nguyên liệu lớn, cơ chế- chính sách thu hút và môi trường đầu tư thông thoáng giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mở rộng sản xuất. Ông Cao Minh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo (huyện Long Hồ) nhận xét: “Tôi thấy chính quyền tạo điều kiện tốt cho nông dân được chuyển đổi đất sản xuất, đưa đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng, vật nuôi mới hiệu quả hơn”, ông Quốc nói.

Từ việc chỉ thu mua nông sản như là một thương lái bình thường, Công ty này đã đầu tư, liên kết với bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu. Đến nay, vùng nguyên liệu của Công ty Quốc Thảo đạt 160ha với các loại cây trồng chủ lực như khóm (dứa), xoài, đu đủ, ổi…

Công ty Quóc Thảo đầu tư vùng nguyên liệu khóm tại Trà Ôn. Ảnh: Kiều Nhi.

Công ty Quóc Thảo đầu tư vùng nguyên liệu khóm tại Trà Ôn. Ảnh: Kiều Nhi.

Tại xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn) Công ty được địa phương hỗ trợ tiếp cận quỹ đất phát triển vùng nguyên liệu khóm đạt chuẩn, phục vụ chế biến, xuất khẩu. Công ty còn kết nối 14 hộ dân xung quanh để mở rộng diện tích được 20ha. Theo tính toán, kể từ năm thứ 2 trở đi sản lượng sẽ đạt từ 120-60 tấn/ha, với giá bán trung bình 6 triệu đồng/tấn, bà con có thu nhập khoảng 240 triệu đồng/ha/năm. Như ông Nguyễn Hữu Thưởng nhận định, khóm phù hợp với vùng đất nhiễm phèn tại địa phương lại có doanh nghiệp đầu tư nên ông mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa của gia đình sang canh tác loại cây trồng này.

Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp đã góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm. Chỉ tính riêng 2 vùng nguyên liệu tại huyện Bình Tân và Trà Ôn, Công ty Quốc Thảo đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 90 lao động, với thu nhập từ 7-14 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Út, xã Tân Thành, huyện Bình Tân – một lao động đang làm việc thường xuyên cho Công ty Quốc Thảo chia sẻ, hai năm qua, nông dân trồng khoai thua lỗ nên công việc ít đi. Gần một năm nay, chị được nhận vào làm các công việc trồng cây, làm cỏ… với mức thu nhập 250.000 đồng/ngày, có nguồn thu nhập ổn định.

Theo Sở KH-ĐT Vĩnh Long, những lợi thế khi đầu tư vào đại phương gồm có: Về vị trí chiến lược, tỉnh nằm ở trung tâm ĐBSCL đóng vai trò kết nối giữa TP. Cần Thơ và TP.HCM. Kết nối hạ tầng hoàn thiện, tỉnh có 5 tuyến quốc lộ và 3 tuyến đường sông đi qua; đặc biệt cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào hoạt động từ tháng 4/2022 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cùng với cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay sẽ tạo thêm động lực phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh. Được thụ hưởng các ưu đãi theo cơ chế đầu tư của Nghị quyết 97/2018 và Nghị quyết 01/2023 của HĐND tỉnh Vĩnh Long.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *