Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: quy hoạch là tiền đề quan trọng, từ đó thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả các nội dung của quy hoạch, tạo ra nguồn lực mới, không gian mới, cơ hội phát triển mới, giúp cho tỉnh Cà Mau “cất cánh”, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và xứng tầm tiềm năng vùng cực Nam của Tổ quốc.

Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Cà Mau đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố quy hoạch Cà Mau đến 2050, ảnh: Baocamau online

Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hoá mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Quy hoạch cũng hướng tới xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước, trung tâm chế biến thuỷ sản; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Tỉnh Cà Mau cam kết luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư trong, ngoài nước và luôn đồng hành cùng sự phát triển của các nhà đầu tư và doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận hoa cảm ơn từ Bí thư Tỉnh Ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á; là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, đây là điểm đặc biệt riêng, là thương hiệu của Cà Mau. Do vậy, Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước, phát triển năng lượng tái tạo, du lịch. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, việc kết hợp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Thủ tướng lưu ý Cà Mau cần đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, sớm nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo tiếp nhận được các loại máy bay lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển, rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa Cà Mau với các vùng miền trong nước.

Cần có giải pháp tháo gỡ nhanh những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Cà Mau, nhất là quan tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy nhanh xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số xã hội, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Cà Mau với tinh thần lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, nhà nước và nhân dân, tạo sức bật đột phá mới để phát triển kinh tế – xã hội theo mục tiêu đề ra của Quy hoạch đến 2050.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *