Nhận diện 28 hành vi lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong tố tụng, thi hành án

– Thưa ông, Quy định số 132 – QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đánh giá là bước tiến mới trong công tác kiểm soát quyền lực. Ông nhận định như thế nào về Quy định này?

– Quy định 132 – QĐ/TW thể hiện sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng của Trung ương, Bộ Chính trị, sự quyết tâm rất cao trong việc “tuyên chiến” với tham nhũng, tiêu cực ở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Thực tế, việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án rất quan trọng. Vì đây là lĩnh vực được coi là “cán cân công lý”, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tố tụng, thi hành án.  Quy định số 132-QĐ/TW như một “tấm gương” giúp tổ chức, cá nhân công tác trong các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tự soi, tự sửa, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, tránh mắc phải khuyết điểm, vi phạm; đồng thời, tạo điều kiện cho cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng cũng như cán bộ, đảng viên, người dân tham gia kiểm soát quyền lực trong hoạt động tố tụng, thi hành án.

– Nhiều cử tri nhận định, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án rất khó, vì liên quan đến chính những tổ chức, cá nhân ở cơ quan thực thi pháp luật, thông tin ở lĩnh vực này rất nhạy cảm, chuyên ngành và ít được công khai. Ông đánh giá như thế nào khi Quy định 132 – QĐ/TW đã nhận diện 28 hành vi lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong tố tụng, thi hành án? 

– Quy định 132 – QĐ/TW có tính chất như một “bộ lọc” hết sức quan trọng nhằm loại bỏ hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án. Trước đó, chúng ta chỉ có những văn bản chung chung yêu cầu cán bộ phải liêm khiết, công tâm, khách quan, gương mẫu, nêu rõ những điều cấm đối với đảng viên không được làm…, nhưng đến Quy định 132 – QĐ/TW đã chỉ rất rõ, rất chi tiết 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án, không loại trừ phân vùng nào từ cấp lãnh đạo, đến cả những nhân viên cấp thấp. Quy định một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật được thực thi trên thực tế ngày càng tốt hơn.

Thực thi công lý với “tâm sáng, lòng trong”

– Để thực hiện được các nội dung của Quy định 132- QĐ/TW, tính liêm chính của cán bộ tư pháp phải đặt lên hàng đầu, thưa ông?

– Công chức tư pháp được giao quyền rất lớn, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, sinh mệnh chính trị và cả tính mạng của con người, cho nên phải thực sự công tâm, liêm chính để bảo đảm các hoạt động tố tụng được minh bạch. Cơ chế kiểm soát quyền lực càng chặt chẽ thì càng khó có thể phát sinh tham nhũng tiêu cực. Nếu để mù mờ, không rõ ràng, không minh bạch thì cán bộ tư pháp vẫn có kẽ hở, có cơ hội để tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế, thời gian qua, ở nơi này, nơi khác, dù không nhiều, nhưng vẫn còn tình trạng cán bộ điều tra, cơ quan tư pháp, viện kiểm sát có tham nhũng, tiêu cực. Quy định 132 – QĐ/TW đã đánh trúng vào những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lạm quyền trên thực tế, với mong muốn, cơ quan tư pháp phải thực sự trong sạch, công bằng, minh bạch, thực hiện nghiêm pháp luật. Chỉ khi thực thi công lý với “tâm sáng, lòng trong” thì cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mới xứng đáng với niềm tin của người dân, xứng đáng là người bảo vệ “cán cân công lý”. 

– Theo ông, Quy định 132 – QĐ/TW sẽ tác động như thế nào đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới?

– Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực thời gian qua đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Niềm tin của người dân đối với Đảng thông qua các cơ quan tư pháp, các cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án càng hết sức quan trọng bởi đó là đại diện cho pháp luật, cho công lý. Cùng với Quy định 132 – QĐ/TW và Quy định 131 – QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong thanh tra, kiểm toán chính là một bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Các Quy định nêu trên hướng đến làm trong sạch đội ngũ ở chính những cơ quan có nhiều thẩm quyền, giúp các cơ quan này thực sự trong sạch và trở thành những “thanh bảo kiếm”, những tấm “lá chắn” sắc bén để bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Nếu những lĩnh vực này được làm tốt, sẽ góp phần triển khai đúng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Đồng thời, hạn thế thấp nhất tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Nếu thực hiện không tốt sẽ làm cho đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước không đi vào cuộc sống, không phát huy được mặt tích cực, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cán bộ, cơ quan, tổ chức dẫn đến giảm sút, thậm chí mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

– Xin cám ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *