Những ngày tháng 12 năm 1972, bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng, quân và dân miền Bắc đã lập nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng. Ký ức về âm thanh của những vũ khí tối tân, làm rung chuyển đất trời cả ngày lẫn đêm, tiếng kẻng phòng không vang lên từng hồi, tiếng bước chân hối hả rời khỏi thành phố hay sự tĩnh lặng sau bức tường đá Hilton – Hà Nội… sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người đã đi qua cuộc chiến.

Trưng bày “Thang âm cuộc chiến” tái hiện lại những thời khắc hào hùng của dân tộc, kể lại câu chuyện về những ngày trao trả phi công Mỹ cách đây 50 năm (1973-2023), nhưng đó không chỉ là gợi lại một ký ức, mà còn là sự thể hiện mong muốn thiết tha của nhân dân Việt Nam về một đất nước độc lập, thống nhất và một thế giới hòa bình.

Bi tráng và hào hùng

Trưng bày “Thang âm cuộc chiến” đang diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhân dịp kỷ niệm 51 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2023); kỷ niệm 50 năm trao trả phi công Mỹ (1973 – 2023).

“Thang âm cuộc chiến”- Không chỉ là ký ức -0
Một góc của triển lãm “Thang âm cuộc chiến”.

Trưng bày giúp công chúng hiểu hơn sự khốc liệt của những cuộc tập kích chiến lược bằng Không quân và Hải quân Mỹ khi leo thang phá hoại miền Bắc; tái hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động của quân, dân Hà Nội (cuối năm 1972) với tinh thần đoàn kết chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vượt qua mất mát, đau thương, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Trưng bày cũng giới thiệu cuộc sống của các phi công Mỹ trong Trại tạm giam Hỏa Lò mong muốn chấm dứt chiến tranh để trở về với gia đình; câu chuyện về những ngày trao trả phi công Mỹ cách đây 50 năm (1973 – 2023).  Và cuối cùng là những nỗ lực chung của chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động ngoại giao nhân dân, đặc biệt là các cựu chiến binh đã góp phần nối lại quan hệ giữa hai nước.

Và những câu chuyện đó được nối với 3 chủ đề “Khúc ca chiến thắng, Dòng ký ức và Chung tay hàn gắn”, như một mạch ký ức tái hiện quá khứ hào hùng và bi tráng của ông cha. Những bức ảnh, những kỷ vật, những câu chuyện như những thước phim được kể lại một cách sinh động và chân thực.

“Khúc ca chiến thắng” tái hiện lại sinh động 12 ngày đêm (18/12 – 30/12/1972), quân và dân miền Bắc trong đó có Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, đánh trả cuộc tập kích chiến lược của quân đội Mỹ. Dưới mưa bom bão đạn, các lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không Không quân đã chủ động, sáng tạo cùng nhân dân Thủ đô phát huy sức mạnh đánh địch, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất của quân đội Mỹ.

“Trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, hệ thống các đơn vị radar được bố trí dày đặc… đã hình thành thế bố trí tuyến trước, tuyến sau, có chính diện, có bên sườn, kết hợp với một hệ thống gồm 12 trạm và 48 vọng quan sát mắt, 2 đại đội trinh sát nhiễu ở miền tây Quảng Bình và Nghệ An có khả năng phát hiện xa, phân biệt được máy bay B52, bảo đảm báo động sớm, phục vụ hiệu quả cho tác chiến”. Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kể lại.

“Thang âm cuộc chiến”- Không chỉ là ký ức -2
Trưng bày bức thư của các phi công Mỹ bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò gửi về cho gia đình.

Nhưng bên cạnh những trang sử hào hùng, những ký ức đau thương vẫn còn đó. Bác sĩ Nguyễn Bá Kinh, khoa ngoại, Bệnh viện Bạch Mai kể: “Đêm 22/12 là ca trực của tôi, khoảng 4h sáng, B52 vào, 15 phút sau đất rung chuyển. Báo yên, chúng tôi chui lên khỏi hầm. Tất cả đã  tan hoang… chúng tôi xin ý kiến lãnh đạo, xin tháo khớp những người đã chết để  đưa qua chỗ kẹt… Khi các thi thể được đưa ra hết là hơn 7h tối, Hà Nội lại chuẩn bị một đêm chờ những đợt oanh kích, còn bệnh viện của tôi thì đã tan hoang, đồng đội tôi đã hy sinh, bệnh nhân tôi đã mất. Một ngày đêm dài nhất trong cuộc đời tôi”.

Có lẽ, đó là những ký ức không thể nào quên với những người còn sống. “Chiến tranh phá hoại của Mỹ đã cướp đi cả cha và mẹ của chị em chúng tôi. Tối 22/12/1972, ở vị trí pháo thủ số 1, tôi và anh chị em tự vệ nhà máy đã bắn rơi một máy bay F111.  Đêm 26/12, khi tôi đang trực ở trận địa thì ở nhà, cha tôi bị bom B52 sát hại. Lo việc chôn cất cho cha xong, tôi lại tiếp tục lên trận địa trực chiến, cho đến khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc”. Ông Nguyễn Văn H., xạ thủ số 1 đội tự vệ nhà máy cơ khí Lương Yên  kể lại.

Niềm tin chiến thắng

Vì sao 12 ngày đêm khốc liệt ấy, quân và dân Hà Nội có thể làm nên một chiến thắng lẫy lừng? Vì chúng ta có niềm tin! “Thang âm cuộc chiến” còn tái hiện lại cảnh sơ tán của Hà Nội những năm tháng khốc liệt đó. Với tinh thần “sơ tán cũng là đánh địch”,  nhân dân Thủ đô khẩn trương sơ tán về các vùng ngoại thành. Hàng trăm phương tiện giao thông được huy động, hàng vạn gia đình hối hả rời khỏi nội thành… Ở những nơi sơ tán, người dân Hà Nội và người dân địa phương chia ngọt, sẻ bùi, cùng nhau tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống.

“Thang âm cuộc chiến”- Không chỉ là ký ức -1
Những tư liệu quý về 12 ngày đêm chiến đấu của quân và dân Hà Nội.

Nhà sử học Dương Trung Quốc hồi tưởng: “Những chiếc xe đạp cũ kỹ, những đôi quang gánh truyền thống, nửa triệu dân Hà Nội trật tự rời khỏi thành phố. Hình ảnh ấy là ấn tượng sâu đậm về những ngày sơ tán, đặt thành câu hỏi: Với lòng tin thế nào mà có thể phó thác ngôi nhà của mình cho những người ở lại là chính quyền hay hàng xóm, mà không hề lo nghĩ, có ai chiếm dụng. Phải có lòng tin thế nào mới sẵn sàng giao phó con cái của mình cho những người chẳng mấy thân thích.. và đi đến đâu cũng gặp những người dân nơi sơ tán sẵn sàng nhường điều kiện sống tốt nhất cho khách chỉ với một tấm lòng: Nếu địch nó không bắn phá Thủ đô thì có bao giờ các bác đến nhà em”.

Nhà văn Tô Hoài cũng kể lại trong hồi ký của mình: “Xe ca đón ở đầu phố từ ngày 21/12 trở đi. Đây là những người đi theo tổ dân phố chứ mọi nhà có quê thì về quê, hoặc đi theo cơ quan. Ô tô lúc đó thì ít nhưng được huy động từ các tỉnh Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc đến. Từng đoàn xe rầm rập rời thành phố, hối hả nhưng vẫn bình thản, trật tự. Họ biết đi rồi sẽ về, bởi tin rằng, chúng ta sẽ chiến thắng”.

Và cũng bởi, chúng ta đã đối xử với kẻ thù bằng tinh thần bao dung, tha thứ. Trong phần “Dòng ký ức” có rất nhiều câu chuyện được các phi công Mỹ kể lại về những ngày họ bị bắt giam ổ trại giam Hỏa Lò. Trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng chính phủ Việt Nam vẫn nỗ lực tạo điều kiện chăm sóc y tế, sinh hoạt thể chất, văn hóa, tôn giáo. Hằng tháng, phi công Mỹ được viết thư gửi về gia đình. Dịp Giáng sinh và đón năm mới, phi công Mỹ được tham gia chuẩn bị đón mừng ngày lễ và gửi những lời chúc tốt lành về gia đình; được tự tay chuẩn bị bữa ăn, trang trí phòng giam, học hát cho các buổi lễ. Những bức thư được viết nhiều hơn, giúp các phi công Mỹ vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhiều phi công còn được thu âm những lời yêu thương gửi về cho gia đình và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo nội dung của Hiệp định Paris, toàn bộ phi công Mỹ trong các trại tạm giam ở miền Bắc Việt Nam được tập trung về Trại giam Hỏa Lò để trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ. Đợt trao trả đầu tiên được thực hiện vào ngày 12/2/1973 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Các đợt tiếp theo diễn ra vào ngày 18/2, ngày 4/3 và 14/3/1973. Vào hồi 15 giờ 20 phút ngày 29/3/1973, Chính phủ Việt Nam đã hoàn tất việc trao trả toàn bộ phi công Mỹ.

Và khát vọng hòa bình

“Thang âm cuộc chiến” có một phần trưng bày khá ấn tượng, đó là hành trình “Chung tay hàn gắn” những vết thương chiến tranh của Việt Nam và Hoa Kỳ. Tháng 9 – 1988, hai nước bắt đầu hợp tác triển khai việc tìm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích, khắc phục hậu quả bom mìn, giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh… nhằm xoa dịu những nỗi đau thời chiến. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam, thăm lại chiến trường xưa và thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, để nhớ về một phần ký ức trong cuộc đời binh nghiệp. Sự chung tay ấy cũng thể hiện khát vọng về một Việt Nam hòa bình bền vững.

“Thang âm cuộc chiến”- Không chỉ là ký ức -3
Ông Thomas Eugene Wilber chia sẻ, đây là lần thứ 43 ông đến Nhà tù Hỏa Lò.

Đại tá Nghiêm Đình Tích, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Đài trưởng Đài radar P35, Đại đội 45, Trung đoàn Radar 291, Quân chủng Phòng không Không quân chia sẻ: “Khi xem lại những tư liệu, hình ảnh, hiện vật trong Trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” nhân kỷ niệm 51 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”; kỷ niệm 50 năm trao trả phi công Mỹ, tôi rất xúc động, tự hào. Chúng ta đã phải đổ rất nhiều xương máu để dành chiến thắng. Đó là chiến thắng của tình yêu nước, của ý chí và niềm tin. Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm, nhân đạo với các phi công Mỹ, khiến các phi công Mỹ rất cảm kích”.

Ông cũng mong, triển lãm là cơ hội để giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc chiến mà cha ông đã đi qua. Thế hệ trẻ, đừng lãng quên quá khứ. Bởi khi hiểu và biết ơn quá khứ, chúng ta sẽ biết trân quý giá trị của hòa bình và tiếp tục phát huy truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng đất nước.

Ông Thomas Wilber (con trai Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber bị giam năm 1968, trao trả năm 1973) tham dự triển lãm cũng xúc động chia sẻ: “Cha tôi bị giam tại Trại giam Hỏa Lò, khi viết thư về gia đình cho biết tình hình, cả nhà đã  bớt lo lắng phần nào. Cảm ơn sự đối xử nhân đạo của Chính phủ Việt Nam với cha tôi cùng các phi công khác khi cung cấp thức ăn, đồ dùng cá nhân, chăm sóc y tế trong thời gian cha bị giam”. Ông Thomas Wilber đã đến và thăm Nhà tù Hỏa Lò 43 lần.

Việt Linh

Facebook
Twitter

Bản in
Email
Theo dõi trên News
Quay lại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *