Cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý

Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản, ông Hoàng Hải cho biết, lượng giao dịch trên toàn thị trường đã tăng dần theo thời gian. Bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong bức tranh tổng thể của thị trường.

Cơ cấu loại hình sản phẩm bất động sản chỉ có 40% là dự án nhà ở, 30% là dự án du lịch nghỉ dưỡng, còn lại là các dự án thuộc loại hình khác.

Trong thời gian gần đây, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm, phân khúc nhà phố/biệt thự, liền kề có tăng nhưng số lượng không nhiều.

Làm rõ bất cập của thị trường bất động sản, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho hay, hiện tại, trên thị trường cơ cấu sản phẩm nhà ở vẫn không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, trong khi thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị.

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thận trọng hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường; thiếu quỹ đất sạch, vấn đề tài chính liên quan đến đất đai, khó khăn tiếp cận nguồn vốn, các tồn tại chưa tháo gỡ về pháp lý dự án…

Cơ cấu nguồn cung phần lớn vẫn là các sản phẩm thấp tầng, đất nền, chiếm 54% tổng lượng cung nhà ở cả nước. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở thị trường khu vực phía Nam (chiếm 40% cả nước).

Phân khúc căn hộ trung cấp (25 – 50 triệu đồng/m2) và cao cấp (50 – 80 triệu đồng/m2) tiếp tục dẫn đầu nguồn cung căn hộ mới trong quý III/2023, chiếm lần lượt 58% và 26% tổng nguồn cung căn hộ đang mở bán. Phân khúc căn hộ giá vừa phải (dưới 25 triệu đồng/m2) tiếp tục khan hiếm.

Về số lượng dự án đang triển khai xây dựng, Lãnh đạo Cục Quản lý lý nhà và Thị trường bất động sản cho hay, so với quý II/2023, số lượng dự án triển khai xây dựng trong quý III/2023 tăng lên 123,64%.

Nguyên nhân là do có nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, nên số lượng dự án được cấp phép đầu tư, triển khai xây dựng tăng lên.

Về dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, ông Hoàng Hải cho biết, các địa phương đã tập trung thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội. Đến nay đã có nhiều hơn các dự án nhà ở xã hội được bắt đầu tiến hành nhận và đánh giá hồ sơ.

“Nguồn cung nhà ở xã hội trong tương lai tại nhiều địa phương dự báo sẽ được cải thiện rõ rệt hơn trong năm 2024”, ông Hoàng Hải nhận định.

Để khơi thông “điễm nghẽn” của thị trường bất động sản

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, theo Bộ Xây dựng, thời gian tới, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và cấp có thẩm quyền trong việc tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản thì việc hoàn thiện thể chế pháp luật là yêu cầu cấp thiết.

Để hóa giải vướng mắc này, cần khẩn trương hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi)…

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản trên địa bàn; đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường.

Nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Cùng với đó, hệ thống tổ chức tín dụng có cơ chế hỗ trợ lãi suất ưu đãi để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *