Lỗ hổng trong tuyển dụng

Qua loạt bài phản ánh “Phát hiện “tiến sĩ siêu lừa”, giả bằng cấp dạy đại học, cao đẳng” đăng tải trên báo Dân trí, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng – cho rằng vấn đề đặt ra ở đây là làm sao hàng loạt trường đại học lại để “lọt” một người không đúng bằng cấp vào giảng dạy, thậm chí còn giữ đến các vị trí như phó, trưởng khoa?

“Từ vụ việc này cho thấy đang có lỗ hổng trong việc tuyển dụng, xác minh văn bằng tại chính các cơ sở giáo dục – nơi tưởng chừng dễ dàng kiểm tra, kiểm soát vấn đề về bằng cấp”, bà Tú Anh bày tỏ.

Theo nữ đại biểu, để xảy ra trường hợp vi phạm này, trách nhiệm trước tiên thuộc về cá nhân ông N.T.H. khi ông này không trung thực, có hành vi gian dối khi sử dụng bằng cấp không đúng.

Trách nhiệm tiếp theo, thuộc về các cơ sở giáo dục khi tuyển dụng, mời giảng đã chưa làm tròn nhiệm vụ xem xét hồ sơ, đánh giá tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên trước khi phân công, bổ nhiệm.

Tiến sĩ siêu lừa đòi lương 40 triệu đồng: Lỗ hổng tuyển dụng - 1

Tấm bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. (SN 13/08/1981) được xác định không khớp với hồ sơ dữ liệu (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần thực hiện hiệu quả hơn, đưa đầy đủ dữ liệu lên cổng thông tin tra cứu, xác thực văn bằng, chứng chỉ trong toàn quốc.

“Về mặt kỹ thuật, đây là vấn đề không khó, không tốn kém cho ngân sách nhà nước. Việc tra cứu thông tin văn bằng dễ dàng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT cũng giúp cho việc kiểm tra thông tin dễ dàng hơn, khách quan, độc lập”, bà Trịnh Thị Tú Anh nêu quan điểm.

Liên quan đến vụ việc này, phía Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TPHCM – xác nhận văn bằng tiến sĩ của N.T.H. không đúng với dữ liệu lưu trữ tại trường.

Trường đã nhận được nhiều công văn đề nghị xác thực của các cơ sở giáo dục. Sau khi có kết quả xác minh bằng cấp không đúng, nhà trường đã báo với cơ quan chức năng về việc người này chưa từng là học viên của trường.

Bằng thạc sĩ của ông H. cũng không có dữ liệu tại trường. Bản sao văn bằng này được ông H. cung cấp khi đi xin việc cũng thể hiện điều không bình thường, trong đó có chi tiết ghi “bảo vệ luận án” là không đúng vì với quá trình được cấp bằng thạc sĩ (chỉ là luận văn). 

Tiến sĩ siêu lừa đòi lương 40 triệu đồng: Lỗ hổng tuyển dụng - 2

Trên trang Facebook được cho là của ông N.T.H., phần giới thiệu ghi làm giảng viên nhiều trường đại học (Ảnh chụp màn hình).

Trong hồ sơ xin việc, ông N.T.H. cũng từng khai làm việc tại nhiều trường đại học công lập và tư thục tại TPHCM.

Một điểm chung các cơ sở giáo dục cho biết là sau khi có thông tin phản ánh vấn đề bằng cấp và bị xác minh, ông H. đều cắt đứt các liên lạc với nhà trường.

Phía Trường Đại học Công nghệ TPHCM xác nhận từ năm 2016-2018, ông N.T.H. từng cộng tác với trường trong vai trò giảng viên thỉnh giảng. Khi đó, ông H. sử dụng bằng thạc sĩ tin học và phụ trách đứng lớp một số môn của khoa công nghệ thông tin.

Quản lý văn bằng, chứng chỉ góp phần thực hiện mục tiêu học thật, thi thật, chất lượng thật

Về vấn đề quản lý văn bằng, chứng chỉ, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống tra cứu để phục vụ việc tra cứu của người dân khi có nhu cầu.

Cục Quản lý chất lượng đã tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu (quy mô quốc gia) về văn bằng, chứng chỉ phục vụ công tác quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến văn bằng, chứng chỉ cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi việc sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ đã và đang được chỉ đạo, tổ chức triển khai theo hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm công khai của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Tiến sĩ siêu lừa đòi lương 40 triệu đồng: Lỗ hổng tuyển dụng - 3

Hệ thống tra cứu văn bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh chụp màn hình).

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Lê Mỹ Phong, đơn vị này đã cùng các đơn vị thuộc Bộ tham mưu với Bộ trưởng trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật về văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (2 Luật, 1 Nghị định, 10 thông tư của Bộ trưởng và nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý, cấp phát).

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ quan quản lý giáo dục địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo. 

Để triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ, Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ để quản lý và thực hiện công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ (Quy định tại Điều 26 Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT).

Mặc dù có nhiều kết quả tích cực, song công tác này cũng còn có những hạn chế, khó khăn như việc thực hiện quy định tại một số cơ sở giáo dục đại học, sở chưa bảo đảm chặt chẽ và chưa thống nhất.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ vẫn còn thiếu về số lượng và chưa đồng đều về chất lượng; một bộ phận chưa được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu còn theo kinh nghiệm, chưa cập nhật kịp thời các quy định mới; chưa có đầy đủ dữ liệu văn bằng, chứng chỉ trong cơ sở dữ liệu toàn ngành để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Được biết, thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ; xử lý nghiêm các vi phạm về văn bằng chứng chỉ theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đơn vị này cho rằng cần quan tâm tới công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *