Vận đơn đường biển điện tử – điều kiện áp dụng tại Việt Nam

08/12/2022 8.163 lượt xem
Cỡ chữ

Tóm tắt: Đại dịch Covid-19 xảy ra gây tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế thế giới, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu, Logistics bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhiều quốc gia đưa ra chính sách giãn cách xã hội kéo dài, dẫn đến việc chuyển giao vận đơn đường biển trở nên khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian. Vận đơn đường biển bị thất lạc, đến chậm, không xuất trình đúng hạn dẫn đến hàng hóa bị ách tắc tại cảng và các hệ lụy cho các chủ thể tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Để giải quyết vấn đề này, số hóa chứng từ trong đó có vận đơn đường biển là giải pháp hiện nay ngành Hàng hải thế giới hướng tới. Trong phạm vi bài viết sau đây, nhóm tác giả sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích để đi sâu vào tìm hiểu và đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện áp dụng vận đơn đường biển điện tử  (Electronic Bill of Lading, viết tắt là e-B/L) tại Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc sử dụng e-B/L  tại Việt Nam 

Từ khóa: Vận đơn đường biển, điện tử, e-B/L.
 
ELECTRONIC BILL OF LADING – CONDITIONS TO APPLY IN VIETNAM
 
Abstract: The Covid-19 pandemic has significantly impacted all aspects of the world economy, especially import-export and logistics activities have been hit hardest. In order to prevent the spread of the disease, many countries have introduced prolonged social distancing policies which causes the delivery of bills of lading to be difficult, expensive and time-consuming. The fact that the bill of lading is lost, delayed, or not presented on time leads to congestion at the port and consequences for entities involved in import and export activities. In order to solve this problem, digitizing documents, including bill of lading, is the current solution for the world’s maritime industry. Within the scope of the following paper, the authors use synthesis and analysis methods to evaluate the ability to meet the conditions for applying electronic bill of lading in Vietnam. Based on the analysis, this paper proposes recommendations to promote the electronic bill of lading in Vietnam.
 
Keywords: Bill of lading, electronic, e-B/L.
 
1. Giới thiệu về e-B/L
 
1.1. Cơ sở ra đời e-B/L
 
e-B/L được ra đời nhằm thay thế cho vận đơn đường biển truyền thống (Bill of lading, viết tắt là B/L), B/L được sử dụng phổ biến trong vận tải biển với các chức năng hữu ích, đặc biệt là chức năng sở hữu hàng hóa, tuy nhiên trong thực tế khi sử dụng B/L phát sinh một số bất cập như:
 
Thứ nhất, tình trạng vận đơn đến chậm so với hàng hóa. Ngoại trừ sử dụng vận đơn xuất trình (Surrendered B/L) và giấy gửi hàng đường biển (Seaway Bill) thì các vận đơn còn lại bắt buộc phải được xuất trình bản gốc tới người chuyên chở để được nhận hàng, vì vậy nếu vận đơn đến chậm sẽ dẫn đến việc giải phóng hàng chậm trễ. Nếu muốn nhận hàng sớm sẽ cần sự can thiệp của các bên như ngân hàng để phát hành thư bảo lãnh nhận hàng.
 
Thứ hai, tình trạng thất lạc vận đơn trên đường chuyển giao tới các chủ thể. Vì vận đơn có chức năng sở hữu hàng hóa nên phải xuất trình bản gốc để nhận hàng, bộ vận đơn gốc chuyển giao từ người xuất khẩu, qua hệ thống ngân hàng đến người nhập khẩu, quá trình này có thể xảy ra việc mất trộm, thất lạc bộ vận đơn gốc. Việc bộ vận đơn gốc thất lạc sẽ dẫn đến khó khăn cho các bên liên quan trong việc nhận hàng, thanh toán và giải quyết các tranh chấp phát sinh.
 
Thứ ba, chi phí in ấn, vận chuyển vận đơn đắt đỏ, tốn kém, gây ô nhiễm môi trường. 
 
Để khắc phục các bất cập trên, ngành Hàng hải thế giới không ngừng tìm kiếm các giải pháp nhằm cải thiện việc xử lý chứng từ, mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm. Một trong những giải pháp đó là ra đời e-B/L nhằm thay thế B/L. 
 
E-B/L hay còn có tên gọi là vận đơn kỹ thuật số, là thông điệp dữ liệu được tạo lập trên một hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) sử dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud Computing). E-B/L là phiên bản điện tử sở hữu đầy đủ đặc điểm và chức năng của B/L. Điểm khác biệt cơ bản giữa e-B/L và B/L nằm ở việc e-B/L được chuyển giao hoàn toàn trên hệ thống dữ liệu điện tử mà không có bất cứ sự chuyển giao nào về mặt cơ học như B/L. Một lưu ý với e-B/L đó là ở bất kỳ thời điểm nào e-B/L cũng chỉ thuộc sở hữu bởi duy nhất một chủ thể trên hệ thống. 
 
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều hệ thống tạo lập e-B/L, trong đó có 07 hệ thống được sử dụng phổ biến nhất và đã được công nhận bởi tổ chức quốc tế cung cấp bảo hiểm Bảo vệ và Bồi thường (Protection and Indemnity) – Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu (International Group of P&I Clubs (IG P&I)). 07 hệ thống e-B/L bao gồm: Bolero, essDocs, Singapore-based eTitle, edoxOnline, CargoX, Wave và mới đây nhất là TradeLens – nền tảng kỹ thuật số hỗ trợ bởi công nghệ IBM Cloud và IBM Blockchain, được hợp tác phát triển bởi công ty vận chuyển Maersk đến từ Đan Mạch và hãng công nghệ khổng lồ IBM (Eleanor Wragg, 2021). Trong 07 hệ thống này, Bolero là hệ thống tạo lập vận đơn điện tử lâu đời và được sử dụng nhiều nhất ở thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, bài viết này sẽ tập trung vào nghiên cứu hệ thống vận đơn điện tử Bolero và điều kiện để áp dụng vận đơn Bolero tại Việt Nam.
 
1.2. Vận đơn Bolero 
 
Vận đơn Bolero –  Bolero B/L (BBL) là một sản phẩm của dịch vụ Bolero eBL-as-a-Service do Công ty Trách nhiệm hữu hạn quốc tế Bolero cung cấp, là phiên bản điện tử của vận đơn truyền thống được tạo lập trên hệ thống Bolero.net. BBL ra đời dựa trên sự kết hợp của bản quy tắc pháp lý Bolero (Bolero Rulebook) và nền tảng công nghệ gồm các yếu tố: Siêu dữ liệu (meta data) bao gồm: Số hiệu vận đơn, trạng thái, đặc điểm loại hình vận đơn…; hệ thống đăng ký quyền sở hữu BBL (Bolero Title Registry) có chức năng “công chứng” kiểm soát việc trao đổi BBL giữa các bên và ai là người nắm giữ bản gốc tại bất kỳ thời điểm nào – một bản tài liệu bí mật được tải lên bởi người chuyên chở và một cấu trúc “thô” được lập trình để bảo mật việc chuyển giao chứng từ và dữ liệu. Toàn bộ dữ liệu sẽ được lưu trữ tại các hệ thống máy chủ AWS (Amazon Web Service) – một nền tảng điện toán đám mây toàn diện với một trong những chức năng chính là lưu trữ và xử lý thông tin. Khái niệm về BBL được nhóm tác giả tham khảo từ chia sẻ của trưởng phòng kinh doanh toàn cầu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn quốc tế Bolero, Jacco De Jong. 
 
BBL có đầy đủ đặc điểm và chức năng của một B/L là: Biên lai nhận hàng để chở của người chuyên chở, là bằng chứng của một hợp đồng vận chuyển, là chứng từ sở hữu hàng hóa và được sử dụng để giao nhận hàng hóa trong thương mại quốc tế. Bên cạnh đó BBL còn có các đặc điểm sau đây: (i) BBL được phát hành một bản gốc duy nhất trên hệ thống Bolero và không có vận đơn gốc nào được phát hành dưới dạng văn bản giấy kèm theo; (ii) BBL được xây dựng trên cơ sở hai thành phần cơ bản có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau là thỏa thuận pháp lý hoặc Quy tắc Bolero (Legal Agreement or Bolero Rulebook) và một ứng dụng hoặc giải pháp công nghệ thực hiện các chức năng của BBL đồng thời cung cấp các yêu cầu pháp lý theo yêu cầu của Quy tắc Bolero; (iii) Các chủ thể cần tham gia đăng ký tài khoản trên hệ thống điện tử Bolero để tham gia tạo lập và sử dụng BBL; (iv) Chủ thể ký phát vận đơn cần có chức năng của người chuyên chở (trong trường hợp người phát hành vận đơn không phải người chuyên chở, người chuyên chở sẽ tiến hành cung cấp mã ID đăng nhập (log in ID) và chứng chỉ người dùng (user certificate) cho đại lý của người chuyên chở ở cảng xếp hàng (load port agent) để họ tiến hành tạo BBL. BBL này vẫn sẽ thuộc sự kiểm soát trực tiếp từ người chuyên chở); (v) BBL là sự kết hợp của hồ sơ đăng ký tiêu đề (Title registry record) và tài liệu đính kèm có chứa dữ liệu e-B/L; (vi) Một BBL kể từ khi được tạo ra luôn có một người nắm giữ quyền sở hữu, tuy nhiên chỉ có một chủ sở hữu Bolero duy nhất tại một thời điểm; (vii) Người nắm giữ BBL luôn được ghi lại trên hệ thống đăng ký quyền sở hữu (Title Registry); (viii) Quyền sở hữu BBL trên hệ thống Bolero có giá trị tương đương với việc sở hữu B/L.
 
Điều kiện cơ bản để áp dụng vận đơn Bolero:
 
Thứ nhất, cơ sở pháp lý. Để có hành lang pháp lý cho e-B/L, các quốc gia cần xây dựng bộ luật điều chỉnh các vấn đề liên quan tới hoạt động kinh doanh ngành Hàng hải. Trong bộ luật cần quy định cụ thể B/L và e-B/L. Đặc biệt với e-B/L, bộ luật cần nêu rõ: Tính pháp lý của e-B/L, quy trình vận hành e-B/L trong thương mại quốc tế từ khâu ký phát tới chuyển nhượng và xuất trình để nhận hàng. Bên cạnh đó, bộ luật cũng cần thống nhất các nghĩa vụ và quyền lợi của các bên tham gia vận hành e-B/L như: Bên cung cấp giải pháp e-B/L (các công ty như Bolero International), chủ thể có đủ tư cách pháp lý phát hành e-B/L (người chuyên chở hoặc đại lý của người chuyên chở), các chủ thể sở hữu e-B/L (các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ngân hàng…), các chủ thể tham gia tài trợ (các ngân hàng, tổ chức tín dụng) và cung cấp bảo hiểm (công ty bảo hiểm) cho hàng hóa được điều chỉnh bởi e-B/L. 
 
Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển không chỉ sử dụng một loại chứng từ vận tải mà còn kết hợp rất nhiều chứng từ quan trọng khác như hợp đồng thương mại quốc tế, chứng từ hàng hóa, tài chính, bảo hiểm… vì vậy, các quốc gia cần ban hành bộ luật giao dịch điện tử quy định rõ tính pháp lý và cơ chế vận hành các loại chứng từ điện tử trong phương thức vận tải bằng đường biển để các chủ thể tham gia thương mại quốc tế yên tâm sử dụng chứng từ điện tử nói chung và e-B/L nói riêng.
 
Để bảo đảm vấn đề an ninh quốc gia nói chung, quyền lợi và nghĩa vụ và nghĩa vụ của các chủ thể thương mại quốc tế nói riêng, chính phủ các nước cần chú trọng vào việc bảo mật hệ thống thông tin, tránh bị tấn công an ninh mạng dẫn tới việc thông tin quan trọng bị phát tán, thậm chí mất quyền kiểm soát dữ liệu điện tử. Cơ quan lập pháp cần ban hành luật an ninh mạng, quy định chi tiết cách thức quản lý thông tin, bảo vệ nghĩa vụ và quyền lợi của các bên khi sử dụng dữ liệu điện tử thay thế cho văn bản truyền thống.
 
Thứ hai, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Điều kiện này đặt ra yêu cầu đối với nền tảng công nghệ quốc gia và của các chủ thể trong nền kinh tế tham gia thương mại quốc tế. Trước tiên, Nhà nước cần đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ phát triển nền kinh tế số. Cơ sở công nghệ thông tin, viễn thông đồng bộ và hiện đại giúp Nhà nước quản lý dữ liệu về các chủ thể tham gia nền kinh tế và giúp doanh nghiệp ở mọi miền tổ quốc có thể tiếp cận với mạng lưới viễn thông.
 
Về hạ tầng công nghệ thông tin đặt ra với các chủ thể tham gia thương mại quốc tế trong phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đó là, để tham gia sử dụng e-B/L, các doanh nghiệp cần trang bị cơ sở vật chất cơ bản như hệ thống máy tính, kết nối mạng Internet và các phần mềm có tính đồng bộ với phần mềm mà nhà cung cấp dịch vụ e-B/L sử dụng, việc này nhằm đảm bảo thông tin sẽ được truyền chính xác từ hệ thống nhà cung cấp e-B/L đến hệ thống quản lý thông tin sẵn có của doanh nghiệp. 
 
Thứ ba, nguồn lực của các doanh nghiệp. Điều kiện về nguồn lực bao gồm nguồn nhân lực và vật lực của doanh nghiệp. Nhân viên ở các công ty cần có nhận thức rõ ràng về vai trò thiết yếu của việc số hóa chứng từ vận tải điện tử, được đào tạo chuyên môn về quy trình sử dụng chứng từ vận tải điện tử. Văn hóa doanh nghiệp nên tập trung vào yếu tố con người chứ không chỉ tập trung vào hiện đại hóa quy trình bởi lẽ công nghệ được vận hành bởi con người và đầu tư vào yếu tố con người sẽ giúp các công ty có sự phát triển bền vững. 
 
Bên cạnh đó, nguồn lực về tài chính, chuyển đổi số là một hành trình mang tính lâu dài, không chỉ dừng lại ở việc số hóa vận đơn đường biển mà xu hướng trong tương lai chính là số hóa toàn bộ quy trình thủ tục vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, vì vậy doanh nghiệp cần trang bị đủ khả năng về vật lực để áp dụng các thay đổi hiện đại về công nghệ. 
 
Thứ tư, sự đồng thuận của các chủ thể trong việc sử dụng vận đơn đường biển điện tử. Có thể nói, đây là điều kiện quyết định rằng liệu e-B/L có thể được áp dụng ở phạm vi toàn cầu và được áp dụng với tốc độ như thế nào, bởi lẽ cần có sự chấp thuận sử dụng e-B/L và đồng ý tham gia hệ thống vận hành e-B/L giữa các chủ thể tham gia thương mại điện tử: Từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, công ty dịch vụ Logistics, ngân hàng, công ty bảo hiểm tới các cơ quan quản lý Nhà nước như cơ quan hải quan… thì e-B/L mới được sử dụng chính thức, rộng rãi và phát huy hết hiệu quả của nó.    
 
2. Thực trạng đáp ứng các điều kiện áp dụng e-B/L tại Việt Nam
 
2.1. Điều kiện về cơ sở pháp lý
 
Luật Hàng hải
 
Việt Nam đã xây dựng Bộ luật Hàng hải năm 2015 quy định đầy đủ và chi tiết các nội dung liên quan tới vận đơn đường biển như: Các loại B/L, ký phát B/L, nội dung B/L, chuyển nhượng B/L, ghi chú trong B/L, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan khi sử dụng B/L. Ưu điểm của Bộ luật này đó là có sự tham khảo và hài hòa với nội dung của các công ước quốc tế có quy định về B/L như quy tắc Hague-Visby, công ước Hamburg 1978.
 
Luật Giao dịch điện tử
 
Ngày 29/11/2005, Luật Giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực, điều chỉnh cách thức giao dịch trên nền tảng điện tử giữa cơ quan Nhà nước và các chủ thể trong nền kinh tế. Các vấn đề về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, thông điệp dữ liệu được thể hiện rõ ràng trong Bộ luật. Các điều khoản quy định trong Luật Giao dịch điện tử rất quan trọng là cơ sở đáp ứng điều kiện về sự công nhận tính hợp pháp của chữ ký điện tử và chứng từ điện tử ở Việt Nam, giúp các dữ liệu điện tử tạo lập từ hệ thống e-B/L được thừa nhận và đóng vai trò là cơ sở pháp lý để giải quyết khi xảy ra tranh chấp. 
 
Luật An ninh mạng
 
Bên cạnh Luật Giao dịch điện tử, Quốc hội cũng đã ban hành Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 12/6/2018. Các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, phòng ngừa và xử lý tội phạm an ninh mạng trong bộ luật này cung cấp sự bảo đảm về không gian pháp lý nơi diễn ra các giao dịch điện tử.
 
Luật Điều chỉnh e-B/L
 
Hiện nay, luật pháp Việt Nam vẫn chưa ban hành bộ luật chính thức nào điều chỉnh e-B/L, do đó về tính pháp lý, e-B/L vẫn chưa được công nhận hợp pháp tại Việt Nam dù Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã chỉ rõ các thông điệp dữ liệu ở dạng điện tử có giá trị như văn bản gốc nếu nó đáp ứng các điều kiện theo luật định. 
 
Có thể nói điều kiện về pháp luật điều chỉnh e-B/L là điều kiện tiên quyết để áp dụng e-B/L nhưng khi luật quy định về e-B/L chưa được ban hành, tính pháp lý của e-B/L sẽ chưa được công nhận và các quan hệ phát sinh từ việc sử dụng e-B/L sẽ không được điều chỉnh, dẫn tới sự thiếu thống nhất về cách thức vận hành, đặc biệt quyền lợi và trách nhiệm của các bên sẽ khó được bảo đảm khi xảy ra tranh chấp. Sự thiếu hụt về hành lang pháp lý điều chỉnh e-B/L cũng khó đảm bảo rằng các ngân hàng sẽ tham gia tài trợ cho các giao dịch sử dụng e-B/L bởi ngân hàng là chủ thể luôn cẩn trọng khi kiểm tra tính hợp pháp của các giao dịch và thực hiện các giao dịch ở mức độ tuân thủ pháp luật tuyệt đối. Cho tới khi bộ luật điều chỉnh e-B/L được ban hành thì điều kiện về pháp luật vẫn sẽ là một rào cản lớn nhất khiến các chủ thể tham gia thương mại quốc tế e ngại trước quyết định lựa chọn e-B/L.
 
2.2. Điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin
 
Về chất lượng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin 
 
Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông quốc gia được phát triển mạnh, phủ sóng rộng khắp. Theo thống kê từ Cục Viễn thông, năm 2021, các công ty viễn thông đã tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng băng rộng. Hệ thống mạng 5G được ứng dụng sơ bộ ở 16 tỉnh, thành phố; mạng 4G được sử dụng bởi gần 99,8% dân số; mạng cáp quang kết nối tới 100% xã, phường, giúp nâng cao tốc độ băng rộng cố định lên 68,50Mbps. Bên cạnh đó, về tốc độ băng rộng di động, Việt Nam chạm mức 35,14Mbps, đứng thứ 48/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 9 bậc so với năm 2020. Từ đây giúp củng cố chất lượng và tốc độ truy cập mạng Internet cho các doanh nghiệp, giúp thông tin được truyền đi nhanh chóng, ổn định và an toàn.  
 
Về việc ứng dụng công nghệ vào vận hành của các chủ thể trong nền kinh tế 
 
Các chủ thể trong nền kinh tế đã và đang tích cực áp dụng công nghệ vào quy trình quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung và theo hình thức vận tải biển nói riêng. Điều này tạo ra sự thuận lợi cho việc đồng bộ về hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu giữa các chủ thể khi tham gia vận hành e-B/L. 
 
– Hệ thống thông tin quản lý của Nhà nước: Cơ chế một cửa quốc gia (Single Window – SW) là một hệ thống thông tin tích hợp phục vụ việc quản lý tất cả dữ liệu hàng hóa xuất đi và nhập vào Việt Nam. Sự đồng nhất dữ liệu giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia với trang web hải quan điện tử là một nền tảng quan trọng trong việc tiếp nhận e-B/L và các chứng từ điện tử khác thuộc bộ chứng từ khai hải quan. 
 
– Hệ thống khai hải quan điện tử: Cơ quan Hải quan Việt Nam đã triển khai hệ thống thông quan hàng hóa tự động (Vietnam Automated Cargo Clearance System – VNACCS). VNACCS ra đời nhằm hỗ trợ số hóa thủ tục khai báo hải quan thông qua hai cơ chế: Hệ thống thông quan tự động và hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ (VCIS). VNACCS/VCIS cung cấp dịch vụ như: Tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử (e-Manifest); thanh toán điện tử (e-Payment); khai báo điện tử (e-Declaration); hóa đơn điện tử (e-Invoice); giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (e-C/O); quản lý hồ sơ rủi ro/tiêu chí rủi ro; phân luồng (selectivity); quản lý doanh nghiệp xuất nhập khẩu; thông quan và giải phóng hàng; giám sát và kiểm soát.
 
– Cổng thông tin cảng biển điện tử e-Port: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thành lập và đồng loạt áp dụng website cảng biển điện tử e-Port tại các cảng biển lớn trên khắp cả nước nhằm phục vụ việc trao đổi dữ liệu giữa các hãng tàu và cảng biển về thông tin của tàu nhập, tàu xuất, hệ thống khai báo Manifest của hãng tàu, tình hình luân chuyển container. Ngoài ra, dịch vụ khai báo điện tử các thủ tục nhập khẩu – xuất khẩu và số hóa thủ tục thanh toán các loại phí dịch vụ cũng được cung cấp ngay trên e-Port. 
 
– Hệ thống quản lý điện tử của các hãng tàu: Các hãng tàu hoạt động tại Việt Nam đều đã và đang tăng cường số hóa quy trình liên quan tới việc vận chuyển hàng hóa, cụ thể các thủ tục từ lúc đặt chỗ với hãng tàu (Booking), nộp chỉ dẫn giao hàng (Shipping instruction), phiếu khai báo trọng lượng container chứa hàng (Verified gross mass), trả bản sao vận đơn (Copy of B/L), phát hành lệnh giao hàng (Delivery order), lên hóa đơn thanh toán đều được tiến hành trên hệ thống website của hãng tàu và gửi tự động qua mail mà không cần tới bất kỳ thủ tục giấy tờ hành chính nào. Chính các hãng tàu này cũng đã triển khai e-B/L trong hệ thống dịch vụ của mình như là: Maersk, MSC, Hapag-Lloyd, CMA CGM, ONE, Yangming, Evergreen,…
 
Việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tập trung vào hai chủ thể chính là doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Logistics.
 
Theo khảo sát của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), tính đến cuối năm 2021, 99% các doanh nghiệp Việt Nam đều đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh như các phần mềm, giải pháp hoạt động quản lý đa kênh, bán hàng online, quản trị kinh phân phối, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki… 60% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm kế toán, trên 200.000 doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm hóa đơn điện tử và hầu hết các doanh nghiệp trang bị chữ ký số. 
 
Về các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ Logistics bao gồm: Các công ty giao nhận vận tải (Freight forwarder), các công ty kinh doanh vận tải biển không sở hữu tàu (NVOCC). Theo khảo sát của trang Vietnam Report vào tháng 12/2021, 100% các doanh nghiệp Logistics đã thực hiện gia tăng đầu tư vào phần mềm công nghệ để xây dựng hệ thống quản lý và trao đổi thông tin các lô hàng một cách thông minh và tiện lợi nhất. Có tới 86% công ty mong đợi việc chuyển đổi số sẽ giúp gia tăng đáng kể năng suất, hiệu quả kinh doanh; 36% doanh nghiệp ủng hộ việc áp dụng công nghệ vào quy trình vận hành Logistics giúp đáp ứng mức độ hài lòng của khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Gần 68% các doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động như Internet kết nối vạn vật (IoT), Cloud Computing, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và nền tảng Blockchain.
 
Tuy nhiên, chuyển đổi số giữa các công ty Logistics còn thiếu sự đồng đều, theo thống kê của Vietnam Report năm 2021, 100% công ty Logistics đã tăng cường đầu tư vào công nghệ nhưng thực tế theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mới có khoảng 40% doanh nghiệp áp dụng được các phần mềm công nghệ hoàn chỉnh vào vận hành. Một phần không nhỏ doanh nghiệp còn lại mới chỉ thực hiện số hóa, chuyển từ thông tin được lưu trữ dưới dạng bản cứng sang hình thức lưu trữ điện tử chứ chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ Blockchain, Cloud Computing, AI vẫn còn hạn chế. Các phần mềm đạt tiêu chuẩn quốc tế hiện nay vẫn chưa được nhiều công ty Việt Nam áp dụng. Hệ quả của rào cản về chất lượng công nghệ vận hành còn thiếu và yếu dẫn tới sự thiếu liên kết và đồng bộ dữ liệu trong chính nội bộ doanh nghiệp Logistics, giữa doanh nghiệp với hãng chuyên chở, cụm cảng và cơ quan hải quan.
 
Bên cạnh đó, việc sử dụng chứng từ điện tử có thể khiến doanh nghiệp gặp phải những rủi ro bị tấn công hệ thống, bị đánh cắp và mất quyền kiểm soát dữ liệu. Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2022, theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hệ thống giám sát an toàn không gian mạng đã tiếp nhận và xử lý 1.260 cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin. Ba chủ thể chính mà các cuộc tấn công mạng thường hướng tới là cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính – ngân hàng và các doanh nghiệp viễn thông. Rủi ro mất an toàn thông tin điện tử là một trong những thách thức lớn nhất đối với khả năng ứng dụng e-B/L ở Việt Nam bởi B/L là chứng từ có giá trị nhất của bộ chứng từ giao nhận. Trong trường hợp thông tin của hàng hóa bị rò rỉ hay đánh cắp sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền sở hữu hàng hóa, sự an toàn của các chủ thể tham gia thương mại quốc tế nói chung và an ninh toàn ngành Hàng hải nói riêng. 
 
2.3. Điều kiện về nguồn lực của doanh nghiệp
 
Khi xét tới các khó khăn trong việc ứng dụng e-B/L tại Việt Nam thì một trong những yếu tố cần xem xét đến là nguồn lực doanh nghiệp, bao gồm: Nhân lực và vật lực (nguồn tài chính).
 
Nguồn nhân lực
 
Các doanh nghiệp tuy đã biết tới sự phát triển của e-B/L nhưng chưa thực sự đầu tư tìm hiểu về e-B/L, vì vậy một bộ phận không nhỏ các chủ thể trong thương mại quốc tế chưa nhận thức được rõ ràng những lợi ích e-B/L đem lại. Bên cạnh đó, thực tế e-B/L được ghi nhận là chưa được sử dụng chính thức bởi một doanh nghiệp nào tại thị trường Việt Nam, dù các phương tiện truyền thông đăng tải rất nhiều bài báo về các mô hình thử nghiệm e-B/L, điều này cùng với nguyên nhân chưa hiểu rõ về e-B/L dẫn tới sự thiếu chủ động của các tổ chức kinh doanh và tâm lý chờ đợi một doanh nghiệp tiên phong áp dụng trước rồi các doanh nghiệp khác sẽ dựa vào đó để đánh giá và quyết định làm theo. Tuy rằng e-B/L mang đầy đủ đặc điểm và chức năng của B/L nhưng yêu cầu người sử dụng cần có khả năng vận hành công nghệ để xử lý chứng từ và các giao dịch diễn ra trên hệ thống điện tử trong khi mặt bằng chung về kỹ năng công nghệ thông tin của nhân viên công ty hiện nay được ghi nhận ở mức độ trung bình. Đây chính là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp hiện nay khi nhân viên sở hữu năng lực về nghiệp vụ nhưng lại thiếu kỹ năng xử lý công nghệ và ngược lại. 
 
Nguồn tài chính đầu tư vào việc chuyển đổi số của doanh nghiệp
 
Khi bắt đầu lựa chọn sử dụng e-B/L, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư một khoản chi phí không nhỏ để tham gia và lắp đặt các phần mềm của nhà cung cấp. Tiếp đó, các công ty sẽ cần đầy tư hoàn thiện môi trường công nghệ của mình để số hóa toàn bộ giao dịch, đồng bộ dữ liệu giữa các chủ thể tham gia quá trình thương mại điện tử. Theo thống kê của VLA, chi phí dùng để chuyển đổi số trong ngành Logistics là rất lớn, dao động từ vài trăm triệu tới hàng chục tỷ đồng mà trong khoảng 4.000 công ty Logistics tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa chiếm 95%. Trên thực tế, chỉ những doanh nghiệp quy mô lớn thuộc top đầu mới có khả năng đầu tư mạnh mẽ nguồn lực vào chuyển đổi số như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, CJ Gemadept Logistics, TBS Logistics… Có thể nhận thấy thấy gánh nặng về tài chính hiện là cản trở rất lớn để các doanh nghiệp Logistics đầu tư vào số hóa thủ tục giao dịch thương mại quốc tế.
 
2.4. Điều kiện về sự đồng thuận của các chủ thể 
 
Tập quán kinh doanh của các chủ thể tham gia thương mại quốc tế cũng là rào cản đối với việc e-B/L có được áp dụng tại nước ta không mà ở đây tập trung vào hai chủ thể là các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng. 
 
Các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu
 
Do thói quen trong việc thỏa thuận giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài về sử dụng B/L cũng như sự thận trọng tin tưởng vào việc sử dụng chứng từ gốc dưới dạng văn bản truyền thống, nên các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn đang sử dụng B/L hoặc giấy gửi hàng đường biển (Seaway bill) và lựa chọn xuất trình chứng từ tới các chủ thể yêu cầu theo đường chuyển phát nhanh. Dù hệ thống pháp lý và công nghệ thông tin đã phát triển rất mạnh trong vòng 10 năm qua thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng tìm hiểu chính xác về các đối tác ở nước ngoài, cũng như chưa đủ khả năng để phòng ngừa và bảo vệ mình trước các rủi ro của việc lựa chọn chứng từ gốc dưới dạng khác ngoài văn bản. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn còn mang nặng tâm lý chỉ bản gốc thể hiện ở dạng giấy tờ có chữ ký tươi mới có giá trị chân thực nhất và trở thành bằng chứng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
 
Hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng 
 
Bên cạnh rào cản đến từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa thì rào cản còn lại đến từ sự khó khăn trong việc thuyết phục các ngân hàng chấp thuận cung cấp dịch vụ cho các giao dịch thanh toán sử dụng e-B/L. Điều này xảy ra không phải do các ngân hàng không chấp nhận sử dụng e-B/L mà bởi vì sự phức tạp khi thuyết phục các ngân hàng tham gia hệ thống và trở thành thành viên của các tổ chức vận hành e-B/L. Hiện nay, các tổ chức như Bolero hay essDocs đều có quy định riêng yêu cầu các thành viên cần tuân thủ khi tham gia vào hệ thống, trong khi ngân hàng là các chủ thể kinh doanh độc lập, có tính đặc thù về việc sở hữu cơ chế pháp lý riêng và chỉ tuân thủ theo luật pháp quốc gia và luật quốc tế của các tổ chức quốc tế mà ngân hàng là thành viên. Các bộ quy tắc tự đề ra của các tổ chức cung cấp e-B/L rất khó để thuyết phục các ngân hàng tham gia và chấp thuận tuân thủ bởi các bộ quy tắc đó chỉ được tuân theo cơ chế pháp lý của một quốc gia nhất định, ví dụ với Bolero được điều chỉnh bởi luật pháp của Vương quốc Anh mà không được xây dựng dựa trên pháp luật Việt Nam và chưa được công nhận rộng rãi trên phạm vi luật pháp quốc tế. Dù các chủ hàng quyết định sử dụng e-B/L nhưng phía ngân hàng không đồng ý tham gia vào hệ thống để vận hành e-B/L sẽ gây ra những thách thức không nhỏ trong quy trình xuất trình chứng từ tới ngân hàng và tiến hành thanh toán, tạo ra sự không thống nhất về số lượng, hình thức chứng từ và thời gian thực hiện các bước trong quy trình xuất nhập khẩu.
 
3. Một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc sử dụng e-B/L tại Việt Nam 
 
3.1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước
 
Để e-B/L có thể được vận hành, đưa vào sử dụng cần có một quá trình với sự tham gia của các chủ thể trong nên kinh tế, trong đó vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là đặc biệt quan trọng. (Hình 1)
 
Hình 1.  Định hướng quá trình triển khai áp dụng e-B/L tại Việt Nam


Nguồn: Nhóm tác giả

 

Các cơ quan soạn thảo luật có thể tìm hiểu các quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, có nhiều điểm tương đồng với pháp luật Hàng hải Việt Nam và đặc biệt là các hệ thống đó đã xây dựng những điều luật quy định toàn diện về giá trị pháp lý và quy trình sử dụng e-B/L. Singapore đã tiến hành sửa đổi luật Giao dịch điện tử vào năm 2021 để hoàn thiện việc trao đổi thông tin thông qua chứng từ điện tử, trong đó có e-B/L sau khi chứng kiến các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới việc sử dụng chứng từ giấy trong thương mại quốc tế của quốc gia này. Bên cạnh luật quốc gia, chúng ta cũng nên tham chiếu các quy tắc pháp lý của các tổ chức quốc tế điều chỉnh thương mại quốc tế và chứng từ điện tử. Ở thời điểm hiện tại, nước ta với vai trò là thành viên của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019 – 2025, các nhà làm luật có thể nghiên cứu và tham khảo Luật mẫu về phương tiện giao dịch điện tử – Model Law on Electronic Transferable Records được ban hành bởi UNCITRAL. Bộ luật này quy định cụ thể về quy trình sử dụng tài liệu kỹ thuật số trong các hợp đồng thương mại quốc tế.  
 
Sau khi tham khảo luật pháp điều chỉnh chứng từ điện tử chúng ta cần tiến tới bước soạn thảo và ban hành các điều khoản pháp lý điều chỉnh e-B/L với phương châm tuân thủ hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Bộ luật Hàng hải, Luật Giao dịch điện tử cùng Luật Thương mại điện tử của Việt Nam. Pháp luật điều chỉnh e-B/L được ban hành bởi Việt Nam cần có sự hài hòa với luật quốc tế như các quy tắc thống nhất của Ủy ban Hàng hải Quốc tế (CMI) về vận đơn điện tử năm 1990, Công ước Rotterdam năm 2009. Cơ quan pháp luật có thể lựa chọn sửa đổi, bổ sung các điều luật điều chỉnh e-B/L vào Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 hoặc xây dựng một bộ luật mới quy định về việc sử dụng chứng từ điện tử trong phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
 
Để cộng đồng doanh nghiệp hiểu sâu hơn về giá trị e-B/L đem lại thì không thể thiếu sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan, ban, ngành quản lý nhà nước cần tăng cường có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số để có thể đồng bộ chất lượng về công nghệ thông tin giữa các doanh nghiệp và đồng bộ dữ liệu giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ về vốn khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số như: Ban hành các chính sách vay hay yêu cầu ngân hàng thực hiện cơ chế lãi vay ưu đãi cho doanh nghiệp phục vụ mục đích chuyển đổi số. Sẽ là cần thiết và hữu ích khi Chính phủ Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về chuyển đổi số và chào đón các chương trình thuộc chủ để số hóa nhằm đem lại cơ hội học hỏi và ứng dụng công nghệ hiện đại trên thế giới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
 
3.2. Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu
 
Về vấn đề các doanh nghiệp chưa hiểu rõ về e-B/L và lợi ích e-B/L đem lại, các doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin liên quan đến e-B/L như qua Internet; liên hệ với các chuyên gia pháp lý, các luật gia về Luật Thương mại quốc tế để được tư vấn; tham gia hội thảo, lớp tập huấn về vận tải, giao nhận do Bộ Công Thương, VCCI, VLA tổ chức…
 
Về rào cản thiếu hụt cơ chế pháp lý, khi sử dụng e-B/L, doanh nghiệp cần thảo luận với khách hàng để lựa chọn một bộ luật quốc gia hoặc luật quốc tế điều chỉnh chứng từ điện tử trong đó có e-B/L. Trong quá trình tham chiếu, các doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ tư vấn của các chuyên gia về luật thương mại quốc tế đến từ các trung tâm trọng tài quốc tế uy tín như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). 
 
Khi đã hiểu về tầm quan trọng của e-B/L, lời khuyên dành cho những doanh nghiệp còn thiếu sự chủ động cùng tâm lý phụ thuộc vào một chủ thể tiên phong ứng dụng e-B/L tại Việt Nam là mỗi tổ chức kinh doanh có đặc điểm riêng vì vậy không thể chỉ dựa trên việc thực hành của công ty khác để rút ra kinh nghiệm cho công ty mình. Khi ứng dụng e-B/L vào thực tế, vấn đề mà mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau, do đó cách thức giải quyết của mỗi doanh nghiệp cũng khác nhau, chỉ khi các doanh nghiệp tự mình ứng dụng mới có thể biết được thế mạnh và khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, từ đó tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
 
3.3. Đối với doanh nghiệp Logistics
 
Các doanh nghiệp cần xây dựng một chương trình chuyển đổi số bài bản, kế hoạch rõ ràng từng bước. Khi tiến hành chuyển đổi số, các doanh nghiệp nên tập trung vào ba điều kiện về: Công nghệ, dữ liệu và các hệ thống quản lý mà doanh nghiệp sử dụng liệu có tương thích với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có khả năng đồng bộ với hệ thống công nghệ của các chủ thể khác trong ngành. Khi lựa chọn nhà cung cấp phần mềm dịch vụ, các doanh nghiệp nên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín với sản phẩm đạt tiêu chuẩn công nghệ thông tin của Việt Nam và quốc tế như phần mềm SMT của Smartlog và Cargowise của WiseTech Global. Cuối cùng, để đạt được sự đồng bộ về chất lượng chuyển đổi số các doanh nghiệp trong ngành Logistics cần có sự chủ động liên kết với nhau thay vì hoạt động riêng lẻ để có thể kết nối và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về công nghệ ứng dụng trong ngành. VLA là một lựa chọn hoàn hảo với các công ty Logistics bởi VLA thường xuyên tổ chức những dự án như: “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao một số công nghệ hỗ trợ ngành dịch vụ Logistics” – được triển khai theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025 nhằm chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kết nối, ứng dụng công nghệ số để cùng nhau cải thiện chất lượng ngành Logistics Việt Nam. 
 
3.4. Đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng
 
Tương tự như tập quán lựa chọn chứng từ văn bản trong giao dịch quốc tế, tuy việc thuyết phục ngân hàng tham gia các hệ thống vận hành e-B/L và tuân theo những quy tắc do tổ chức đó lập ra không thể thực hiện ngay lập tức, nhưng các chủ doanh nghiệp và ngân hàng vẫn có thể cùng nhau thỏa thuận và tìm ra các giải pháp để ứng dụng e-B/L tại Việt Nam. Các ngân hàng đã có thâm niên hoạt động lâu năm, là thành viên của tổ chức tài chính trong nước và quốc tế sẽ nắm được chi tiết thông tin về các nhà cung cấp phần mềm e-B/L bởi những hệ thống lâu đời như Bolero ban đầu được xây dựng bởi hệ thống SWIFT đã và đang tích cực liên kết với chủ thể ngành tài chính, ngân hàng và các ngành khác nhau để mở rộng mạng lưới. Các doanh nghiệp có thể chủ động đề xuất hệ thống vận hành e-B/L uy tín với ngân hàng để được hỗ trợ tư vấn. Ngoài ra, các bên: Sử dụng (công ty xuất nhập khẩu), cung cấp (tổ chức cung cấp e-B/L) và tài trợ e-B/L (phía ngân hàng) có thể thảo luận, thống nhất và ký kết các thỏa thuận pháp lý riêng xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm các bên chứ không nhất thiết chỉ có thể sử dụng nguồn luật quốc gia hay quốc tế nhất định kiểm soát các vấn đề liên quan tới e-B/L. Bằng cách này, ngân hàng có thể chủ động đưa ra yêu cầu với các bên nếu muốn ngân hàng tham gia cung cấp dịch vụ cho giao dịch sở hữu e-B/L, về lâu dài, các ngân hàng sẽ có thêm cơ hội mở rộng hệ thống khách hàng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực ở các quốc gia khác nhau, giúp tăng mức độ nhận diện thương hiệu của ngân hàng. Một lần nữa, sự cần thiết của việc tìm hiểu và ứng dụng xu hướng phát triển thương mại quốc tế là không ngoại lệ với ngành Ngân hàng, và nếu tổ chức ngân hàng ở Việt Nam chấp thuận tham gia các hệ thống vận hành e-B/L sẽ giúp tăng tốc khả năng ứng dụng e-B/L và gia tăng sự chắc chắn về tính pháp lý cũng như củng cố thêm sự tin tưởng vào chứng từ điện tử của các doanh nghiệp nước nhà.
 
4. Kết luận
 
Hiện nay, e-B/L chưa được áp dụng chính thức tại Việt Nam vì thực tế còn nhiều bất cập khi ứng dụng e-B/L, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như những ưu điểm của B/L, trong tương lai sẽ không chỉ có e-B/L mà toàn bộ các thủ tục, quy trình vận tải, giao nhận đều sẽ được số hóa. Vì vậy, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp cần tìm hiểu và chuẩn bị các điều kiện đầy đủ để áp dụng e-B/L trong một ngày gần nhất nhằm nâng cao chất lượng cạnh tranh và vận hành của ngành vận tải biển Việt Nam.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Andrei Radchenko (2021), Product Marketing Manager, YourediElectronic Bill of Lading (EBOL, EB/L): A key to improving the efficiency of global trade.
2. Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015.
3. Bolero Rulebook and Title Registry.
4. Eleanor Wragg (2021), How the electronic bill of lading became a battleground for trade digitisation.
5. Hữu Tuấn (2021), Chuyển đổi số là phao cứu sinh cho doanh nghiệp Logistics.
6. Luật An ninh mạng Việt Nam năm 2018.
7. Luật Giao dịch điện tử Việt Nam năm 2005.
8. Ngô Khắc Lễ  (2018), Vận đơn điện tử có thay thế được vận đơn giấy trong mọi trường hợp không?, Tạp chí Vietnam Logistics Review.
9. Nguyễn Thái Sơn (2015), ​​Vận đơn đường biển điện tử (e-B/L) và khả năng áp dụng ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, số 212(II) tháng 2/2015. 
10. Nguyễn Thái Sơn (2015), Tổ chức đăng ký vận đơn điện tử Bolero và một số gợi ý áp dụng tại Việt Nam, Tạp chí Tạp chí Khoa học Thương mại, Trường Đại học Thương mại, số 84/2015.
11. P.V (2021), Góc nhìn toàn cảnh ngành Logistics & Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2021.
12. Trần Nguyễn Hợp Châu (2021), Logistics và vận tải quốc tế, Nhà xuất bản Hồng Đức. 
13. What is an Electronic Bill of Lading?

Nguyễn Thị Cẩm Thủy (Khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng)
Nguyễn Bảo Ngân (Sinh viên Khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng)

Chia sẻ

In trang

Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu


Bình luận

Đóng lại
ok

Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập

Các tin tức khác
Xem tất cả

Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam

Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga – Ukraine và hàm ý cho Việt Nam

16/11/2023
2.117 lượt xem
Bài viết khái quát quá trình triển khai huy động dòng vốn toàn cầu thông qua tiền mã hóa của Chính phủ Ukraine và Liên bang Nga; từ đó, đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán xuyên biên giới, nguy cơ sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động rửa tiền, khủng bố và đưa ra hàm ý cho Việt Nam.

Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam

Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia – Một số gợi mở cho Việt Nam

06/11/2023
2.585 lượt xem
Hoạt động huy động vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phương thức này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, hoạt động huy động vốn theo hình thức cổ phần (Equity – based Crowdfunding – ECF) là hình thức gọi vốn được các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất ưa chuộng. Với ECF, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ cộng đồng thông qua một nền tảng trên Internet.

Phát triển ngân hàng hợp kênh: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam

Phát triển ngân hàng hợp kênh: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam

20/10/2023
3.916 lượt xem
Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và việc sử dụng ngày càng nhiều điện thoại thông minh và máy tính bảng, xu hướng hợp kênh đã dần trở nên quan trọng đối với tập hợp đa dạng các dịch vụ ngân hàng. Hoạt động ngân hàng hợp kênh cung cấp đường dẫn đến các dịch vụ tài chính, ngân hàng thông qua nhiều kênh khác nhau (như chi nhánh ngân hàng, ATM, tổng đài điện thoại, eBanking, Internet Banking và Mobile Banking) một cách hợp nhất dựa trên ý tưởng “mọi thứ đều có thể được làm trên mọi kênh”.

Quản trị rủi ro số tại các ngân hàng thương mại: Kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương Đức và một số khuyến nghị

Quản trị rủi ro số tại các ngân hàng thương mại: Kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương Đức và một số khuyến nghị

04/10/2023
6.056 lượt xem
Khi thế giới ngày càng trở nên số hóa và kết nối, cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày một gia tăng, tạo động lực cho các ngân hàng thích ứng và thực hiện chuyển đổi số. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối… đang hỗ trợ và đẩy nhanh tốc độ của quá trình chuyển đổi số, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày một cao của khách hàng.

Triển khai kinh tế tuần hoàn tại một số quốc gia trên thế giới - Kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam

Triển khai kinh tế tuần hoàn tại một số quốc gia trên thế giới – Kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam

04/10/2023
5.269 lượt xem
Trong vài năm gần đây, nền kinh tế tuần hoàn (Circular economy – CE) đang ngày càng được chú ý trên toàn thế giới như một cách để khắc phục mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại dựa trên tăng trưởng liên tục và tăng thông lượng tài nguyên.

Hạn chế của Basel II, sáng kiến khắc phục hướng đến Basel III của BIS và hàm ý cho Việt Nam

Hạn chế của Basel II, sáng kiến khắc phục hướng đến Basel III của BIS và hàm ý cho Việt Nam

25/09/2023
5.977 lượt xem
Hiệp ước Basel II đã và đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng rộng rãi như một chiến lược nhằm mục đích nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, đảm bảo sự ổn định tài chính của ngân hàng. Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng giai đoạn 2008 – 2009 với sự sụp đổ của nhiều định chế tài chính lớn như Ngân hàng Đầu tư Bear Stearns, các ngân hàng Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers đã cho thấy những điểm yếu của Basel II như mức vốn cấp 1 (Tier 1) tối thiểu 4% và tỉ lệ an toàn vốn không đủ bù đắp các khoản lỗ lớn; một số kĩ thuật sử dụng kế toán sáng tạo có thể che đậy rủi ro tín dụng; suy thoái kinh tế có thể dẫn đến áp lực bán tháo làm tăng tính thuận chu kì của hệ thống; sử dụng một số sản phẩm tài chính phức tạp như công cụ phái sinh, bảo lãnh như một phần của việc giảm rủi ro tín dụng…

Xu hướng tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á

Xu hướng tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á

21/09/2023
5.877 lượt xem
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi rất nhiều yếu tố làm suy giảm đà phục hồi, nền kinh tế các nước tại khu vực châu Á cũng nằm trong xu hướng đó và được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại với các động lực tăng trưởng yếu, áp lực lạm phát ở mức vừa phải.

Khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ: Nguyên nhân và tác động

Khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ: Nguyên nhân và tác động

20/09/2023
6.720 lượt xem
Căng thẳng ngân hàng tại Mỹ bắt đầu xảy ra vào tháng 3/2023, khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ, sau đó lan truyền sang một số ngân hàng khác, làm dấy lên lo ngại về tính ổn định trong khu vực tài chính. Do đó, việc nghiên cứu các yếu tố dẫn đến khủng hoảng ngân hàng, biện pháp xử lí của cơ quan quản lí, tác động của nó cũng như bài học kinh nghiệm rút ra là hết sức cần thiết.

Chi ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh tại các quốc gia trên thế giới

Chi ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh tại các quốc gia trên thế giới

04/09/2023
6.663 lượt xem
Các quốc gia hiện nay ngoài mục tiêu phát triển kinh tế thì đã từng bước chú trọng bảo vệ môi trường. Theo đó, các chính sách đã được ban hành, trong đó có chính sách chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, con người, bảo tồn hệ sinh thái và các khoản chi khác nhằm chuyển dịch nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh.

Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng tại các quốc gia châu Âu và một số vấn đề đặt ra

Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng tại các quốc gia châu Âu và một số vấn đề đặt ra

16/08/2023
7.744 lượt xem
Ngành Ngân hàng đã trải qua một sự chuyển đổi đáng kể trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ tiện lợi và được cá nhân hóa. Sự xuất hiện của dữ liệu lớn và các công cụ phân tích tiên tiến đã mở ra những cơ hội mới cho các ngân hàng để cải thiện trải nghiệm của khách hàng, giảm chi phí và thúc đẩy tăng trưởng.

Các nguyên tắc ngân hàng bền vững - Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với  Việt Nam

Các nguyên tắc ngân hàng bền vững – Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam

04/08/2023
10.406 lượt xem
Phát triển bền vững là một khái niệm mới và đang dần trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nguồn lực tài chính là yếu tố đặc biệt quan trọng. Theo đó, ngân hàng bền vững đã, đang và sẽ trở thành một triết lí nền tảng của các ngân hàng. Hoạt động của ngân hàng không chỉ mang lại lợi nhuận cho nhân viên và các cổ đông của ngân hàng mà còn mang lại lợi nhuận cho khách hàng.

Dự thảo Luật Ổn định tài chính và một số cải cách pháp lí của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Dự thảo Luật Ổn định tài chính và một số cải cách pháp lí của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

20/07/2023
10.351 lượt xem
Tháng 4/2022, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã dự thảo Luật Ổn định tài chính (Luật ODTC) và hiện đang lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân để chính thức ban hành luật. Nếu được thông qua (dự kiến vào cuối quý III/2023), Luật ODTC của Trung Quốc sẽ là cơ sở pháp lí đầu tiên điều chỉnh cụ thể việc phòng ngừa, giải quyết và xử lí rủi ro hệ thống; đối tượng điều chỉnh là các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm và công ty tài chính. Chúng ta cùng nhìn lại lịch sử, một số diễn biến quan trọng và nguyên nhân khiến Trung Quốc “mạnh tay” cải cách pháp lí đối với hệ thống tài chính.

Dữ liệu mới phục vụ điều hành chính sách tiền tệ: Thực tiễn các quốc gia  châu Á và bài học kinh nghiệm

Dữ liệu mới phục vụ điều hành chính sách tiền tệ: Thực tiễn các quốc gia châu Á và bài học kinh nghiệm

13/07/2023
10.717 lượt xem
Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông trong thời gian qua đã tạo ra sự bùng nổ về lượng thông tin được thu thập, dẫn đến kỉ nguyên mới của dữ liệu.

Phát triển ngân hàng di động hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện

Phát triển ngân hàng di động hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện

08/06/2023
13.975 lượt xem
Công nghệ ngân hàng di động (Mobile Banking) đã và đang được các ngân hàng thương mại áp dụng rộng rãi như một chiến lược mở rộng thị phần mà không cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng. Nó là một công cụ hữu ích cho các khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng bởi tính tiện lợi, chất lượng dịch vụ tốt, nhanh chóng, không phụ thuộc vào yếu tố thời gian và mức độ bao phủ lớn, đáp ứng mục tiêu tài chính toàn diện.

Kinh nghiệm quốc tế về việc tổ chức bảo hiểm tiền gửi hỗ trợ tài chính đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt

Kinh nghiệm quốc tế về việc tổ chức bảo hiểm tiền gửi hỗ trợ tài chính đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt

15/05/2023
15.343 lượt xem
Theo tài liệu “Các vấn đề xử lí tổ chức tín dụng hợp tác – Tổng quan về các đặc điểm và công cụ xử lí” (Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế – IADI, 2018), các tổ chức tài chính nhận tiền gửi như hiệp hội tín dụng, các ngân hàng hợp tác hoặc tương hỗ hay quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được gọi chung là tổ chức tín dụng (TCTD) hợp tác, là một thành viên quan trọng trong hệ thống tài chính của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Nhìn chung, các TCTD hợp tác có những đặc điểm khác biệt với ngân hàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *